Vũ Hùng – Người yêu rừng bất tận

Vũ Hùng đã mang đến cho độc giả nhỏ tuổi những câu chuyện sống động, hấp dẫn về thiên nhiên. Trong văn của ông, con người, muông thú và núi rừng đã có một tình bạn thân thiết

Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 tại làng Láng, Cầu Giấy, Hà Nội. Ông là cựu học sinh trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An). Năm 1950, Vũ Hùng rời giảng đường đại học Bách Khoa để lên đường nhập ngũ. Vào quân ngũ với vai trò là một chiến sĩ thông tin – liên lạc, nhà văn có cơ hội rong ruổi khắp núi rừng Trường Sơn. Sau đó, ông phụ trách đài vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Lào. Cương vị công tác mới tạo điều kiện cho nhà văn đi sâu vào rừng núi nước bạn và có nhiều kỉ niệm đáng nhớ với con người nơi đây.

Trong những đợt hành quân dài đằng đẵng hàng tháng trời, chàng lính trẻ Vũ Hùng khi ấy không chỉ có cơ hội được ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng miền tây Trường Sơn. Đó còn là dịp để ông tiếp xúc với những người dân tộc hồn hậu, mến khách và giỏi săn bắn. Nếu người Bru Vân Kiều là những tay lấy nhung hươu cự phách, thì người Ê- đê, M’Nông hay người Lào lại là “những quản tượng số một” với kỹ thuật thuần dưỡng voi chuyên nghiệp.

Tất cả những trải nghiệm thú vị đó đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để nhà văn viết nên những câu chuyện kỳ thú cho thiếu nhi. Mùa săn trên núi là cuốn sách đầu đầu tiên ông viết, xuất bản năm 1961. Trong suốt sự nghiệp của mình, Vũ Hùng đã viết hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ông cũng đã hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng với cuốn Sao Sao (1982) và Sống giữa bầy voi (1986).

Những câu chuyện của nhà văn Vũ Hùng không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học. Chúng còn là tư liệu quý bằng ngôn từ để lưu giữ những khoảnh khắc hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn một thời, mà giờ đây có lẽ chỉ còn trong hoài niệm.

Tuy đề tài chính là thiên nhiên, nhưng người đọc sẽ có cảm giác những câu chuyện của Vũ Hùng là bản hòa tấu của tình yêu thiên nhiên, tình người và lòng nhân hậu. Con người và thiên nhiên sống một cuộc sống hòa đồng, đùm bọc lẫn nhau. Những người dân miền núi khai thác tài nguyên của rừng nhưng không tận diệt rừng. Họ luôn bảo vệ từng nhánh cây, ngọn cỏ trong rừng như bảo vệ cái cây trồng trong vườn nhà mình.

Kinh nghiệm thực tế, óc quan sát nhạy bén, cùng khả năng miêu tả sắc nét, tinh tế và ấn tượng đã giúp Vũ Hùng vẽ nên “một bức tranh sống động” về núi rừng bằng ngôn từ. Tác giả đã vận dụng rất nhiều từ láy, giàu chất tượng hình, tượng thanh để tạo nên một câu chuyện hấp dẫn, kích thích tính tò mò của con trẻ. Đọc các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, các em không chỉ bước vào một thế giới kỳ thú của thiên nhiên mà còn là cơ hội để mở rộng vốn từ và kích thích trí tưởng tượng phong phú.

Vũ Hùng - Người yêu rừng bất tận
Một số tác phẩm thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng.

Trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhà văn đã dành một tình cảm đặc biệt cho loài voi. Ông có nhiều tác phẩm viết về voi như: Bầy voi đen,Con voi xa đàn, Sống giữa bầy voi, Người quản tượng và con voi chiến sĩ. Khác với vẻ ngoài to lớn và có phần thô kệch và hung dữ, voi trong văn của Vũ Hùng có một “diện mạo” hoàn toàn mới. Chúng được miêu tả là loài vật vô cùng thông minh, tinh nghịch như trẻ nhỏ và sống rất tình cảm. Có thể nói: nếu miêu tả về loài voi không ai vượt qua được Vũ Hùng.

Cùng với Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Tô Hoài và Duy Khán, Vũ Hùng đã gióp phần lưu giữ những hình ảnh đẹp về thiên nhiên – đất nước – con người Việt Nam qua những trang sách nhỏ. Đó cũng là cách để bồi đắp lòng nhân hậu, tình yêu thiên nhiên, đất nước cho bạn đọc nhí, đồng thời tạo một không gian để người lớn có thể hoài niệm về tuổi thơ của mình.

Thụy Oanh