Edward Miller là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Dartmouth (Mỹ). Ông nhận bằng Tiến sĩ ngành Lịch sử, Đại học Havard vào năm 2004. Chuyên ngành của ông là Chiến tranh ở Việt Nam và Chiến tranh lạnh ở Đông Nam Á.
HỌC TIẾNG VIỆT ĐỂ NGHIÊN CỨU
Về việc đến với nghiên cứu chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi của Mỹ về cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam), tác giả Edward Miller kể chuyện khi còn là sinh viên cao học cần tìm đề tài làm luận văn. Trong suốt những năm tháng trưởng thành, ông biết đến nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề chiến tranh ở Việt Nam, trong nhiều thập kỷ đây là vấn đề được công chúng Mỹ đặc biệt quan tâm.
Song Edward nhận thấy họ đa phần đều không biết tiếng Việt, do đó sách, phim của họ tập trung vào quan điểm của người Mỹ, tổng thống Mỹ, chính phủ Mỹ, thiếu khuyết góc nhìn của người trong cuộc – nhân dân miền Nam. Điều này đã thôi thúc ông học tiếng Việt từ năm 1995 để tiếp cận đa dạng nguồn tài liệu, đặc biệt là các tư liệu tiếng Việt của Việt Nam Cộng hòa từ kho lưu trữ của các nước phương Tây.
Tác phẩm Liên minh sai lầm: Ngô Ðình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam ra đời vào năm 2013, rất lâu sau khi Edward đã hoàn thành chương trình thạc sĩ, lấy bằng tiến sĩ và tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu về chiến tranh ở Việt Nam và vai trò của cuộc chiến này trong lịch sử Mỹ đương đại. Cuốn sách được dịch và lần đầu giới thiệu đến độc giả Việt Nam năm 2016.
Tác giả Edward Miller (GS Khoa Lịch sử, Đại học Darthmouth)
Về kỷ niệm viết sách, Edward cho biết thử thách với ông là việc học tiếng Việt. Vượt qua thử thách ngôn ngữ, ông gặp thuận lợi lâu dài về sau khi ông tiếp xúc và trò chuyện với nhiều người Mỹ gốc Việt hay những người nước ngoài am hiểu về cuộc chiến và giỏi tiếng Việt. Đến nay Edward vẫn đang tiếp tục miệt mài học tiếng Việt. Trong buổi giao lưu ông chủ yếu trò chuyện bằng tiếng Việt, trừ những đoạn khó nhằn mới nói tiếng Anh và nhờ đến sự hỗ trợ của dịch giả và MC.
NHÌN LỊCH SỬ ĐA CHIỀU
Với tựa sách Liên minh sai lầm, đúc kết của tác giả là người Mỹ nên học cách “lắng nghe và thừa nhận các quan điểm khác biệt để từ đó có tinh thần đối thoại”.
Ông cũng nhận định một lầm lạc của nhiều lãnh đạo trong chiến tranh là họ nghĩ mình ở rất gần chiến thắng nên đưa ra hứa hẹn, song thực tế thì chiến thắng “ở xa vời vợi”. Ông cho rằng chính sách của chính quyền Mỹ và Ngô Đình Diệm “không thuyết phục được người dân miền Nam theo đuổi và ủng hộ”. Do đó mà chiến tranh ngày càng tàn khốc và gây ra nhiều chết chóc hơn, “là một thảm họa cho cả Mỹ và Việt Nam” (a disaster for both America and Vietnam).
Cuốn sách Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam, tái bản năm 2024 với phần phụ lục bổ sung
Trong lần tái bản năm 2024 này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật bổ sung vào nội dung sách một công trình nghiên cứu của tác giả về chấn hưng tôn giáo và khía cạnh chính trị của công cuộc kiến quốc – góc nhìn khác về “Biến cố Phật giáo” năm 1963 ở Nam Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyên Long nhận định rằng tác giả đã đặt biến cố này cũng như nhiều sự kiện khác vào bối cảnh rộng hơn, từ đó cho thấy động cơ đằng sau quyết định của các nhân vật không hề mang tính “tất định luận”. Theo đó, rất nhiều sai lầm đã có thể tránh khỏi nhưng do nhiều can thiệp ngẫu nhiên, do cả sự tự tin của Ngô Đình Nhu – Ngô Đình Diệm mới dẫn đến kết cục sau cuối.
Ông Nguyên Long đánh giá cuốn sách là “một trong những công trình xuất sắc về lịch sử chiến tranh, đặt Việt Nam Cộng hòa trong bối cảnh rộng hơn để tìm ra nguyên nhân hình thành và sụp đổ của chế độ này”. Theo ông, tác phẩm công phu này đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về một giai đoạn lịch sử đặc biệt.
Ông nhận định cuốn sách còn là tham khảo quan trọng cho giới nghiên cứu ở phương pháp nghiên cứu, cách lập luận, đặt vấn đề, cách sắp xếp và xâu chuỗi để kể một câu chuyện hay.