Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững”

Sáng 17/03/2024, tại Điện Biên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên; Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên.

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Dự Hội thảo có đồng chí: Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo ủy ban nhân dân; lãnh đạo các sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam; các công ty, doanh nghiệp, lữ hành; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và tác giả có bài tham luận tại Hội thảo…

Các đồng chí chủ trì Hội thảo

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Điện Biên: Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” là hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 07/5/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên và Năm Du lịch quốc gia – Điện Biên 2024.

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong truyền thông, giao lưu văn hóa, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, du lịch là chiếc chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách đa dạng, đa phương hóa quốc gia, tác động mạnh mẽ đến GDP, ngân sách nhà nước, vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, kim ngạch xuất khẩu và văn hóa đất nước.

Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” được tổ chức là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong ngành du lịch phân tích, đánh giá tiềm năng du lịch, hiệu quả những nguồn lực phát triển du lịch trong tổng thể bức tranh kinh tế – xã hội của tỉnh Điện Biên; đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ những “điểm nghẽn”, những “nút thắt” trong phát triển du lịch Điện Biên; dự báo những yếu tố tác động, trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp phát huy và khai thác một cách hiệu quả những giá trị cốt lõi của Điện Biên để phát triển du lịch, thu hút và làm hài lòng khách du lịch, định hướng phát triển du lịch Điện Biên toàn diện, nhanh và bền vững.

Các đồng chí chủ trì và đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, TS. Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, ngành du lịch được tỉnh Điện Biên chọn làm ngành kinh tế mũi nhọn, do vậy, việc xác định tiềm năng, lợi thế của tỉnh, làm rõ những khó khăn để xác định hướng đi cho du lịch, đưa ra những giải pháp mang tính “chìa khóa”, tạo ra sự đột phá cho du lịch tỉnh Điện Biên là những vấn đề rất quan trọng.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần tìm ra những sản phẩm độc đáo, riêng biệt, chỉ có ở Điện Biên, đồng thời tìm ra những giá trị tiềm ẩn và làm thế nào để những giá trị tiềm ẩn đó được phát lộ, được khơi dậy, đưa những tài nguyên còn tiềm ẩn, còn tản mạn được sắp xếp lại, tạo thành những giá trị lớn hơn. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề làm sao để quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất, trong đó tận dụng chuyển đổi số, quảng bá số để hình ảnh Điện Biên được lan tỏa rộng rãi trong nước và quốc tế, từ đó tạo sự khác biệt thu hút được sự quan tâm của du khách đến trải nghiệm. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhắc đến vấn đề bảo tồn những giá trị, bản sắc văn hóa một cách hài hòa. Du lịch ngày nay dựa trên sự hoang sơ, bảo tồn, tôn trọng, phục hồi tự nhiên, phát huy làm tôn lên vẻ đẹp tự nhiên. Điện Biên với những ngôi nhà giản dị đơn sơ trong sự hùng vĩ của núi đồi chính là bản sắc của du lịch Điện Biên.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, phải luôn ghi nhớ người dân mới là trung tâm, khi nói đến bản sắc, đa sắc văn hóa thì chính những người dân, cụ thể ở đây là đồng bào các dân tộc, đã tạo nên những nhóm giá trị văn hóa riêng, không nơi nào có được. Tuy nhiên, phải nhìn từ góc độ kiến trúc, đời sống, không gian văn hóa, tín ngưỡng, ẩm thực…, gắn với sinh kế của người dân; phải hỗ trợ, giúp đồng bào giữ, biết, nhận thức, gìn giữ, phát triển được các giá trị văn hóa, bởi chính đồng bào dân tộc là những người làm du lịch. Khi biết giữ gìn văn hóa, biết đưa du lịch cộng đồng vào nhưng có quy tắc, cách ứng xử để vừa phát huy vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, mới là điều quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi địa phương phải có sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu, phát triển đồng đều, chú trọng về liên kết. Việc cần làm là đánh giá đúng thực trạng phát triển du lịch Điện Biên trong những năm qua. Từ đó định hướng phát triển du lịch Điện Biên bền vững, làm rõ lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo, khác biệt; đồng thời áp dụng khoa học công nghệ, cải thiện chất lượng dịch vụ… có như vậy du lịch Điện Biên mới được “cất cánh”, định vị lại trong bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

PGS.TS. Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên thông tin, Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế, với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nền văn hóa đa dân tộc, phong phú, cảnh sắc hùng vĩ… Năm 2023, tỉnh lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, các kết quả đạt được vẫn rất khiêm tốn; quy mô hoạt động du lịch còn nhỏ. Điện Biên rất mong chờ và hy vọng sẽ được nghe các ý kiến tham luận, tư vấn, gợi mở, hiến kế của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học,… và đặc biệt là những ý kiến trao đổi, kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và của cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Qua đó, Điện Biên sẽ có thêm nhiều thông tin, cách làm mới về du lịch, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhận định, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Điện Biên đã tạo dựng nên hình ảnh một vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Mỗi dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh đều có nét bản sắc riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tạo nên bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên. Bên cạnh đó, các di sản văn hóa, lễ hội, nghề truyền thống đã tạo nên một quần thể văn hóa độc đáo, hấp dẫn và kích thích sự trải nghiệm của khách du lịch thập phương.

Bên cạnh những lợi thế về du lịch, lịch sử, văn hóa, Điện Biên còn có thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực với nhiều danh thắng đẹp nổi tiếng. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh dựa trên 3 trụ cột chính là sản phẩm du lịch lịch sử – tâm linh, sản phẩm du lịch văn hóa – sinh thái và sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giải trí.

Tuy nhiên, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Điện Biên còn nhiều “điểm nghẽn” lớn, khiến cho tiềm năng về du lịch của Điện Biên chưa được khai thác đúng giá trị và lợi thế. Phát triển du lịch đứng trước không ít khó khăn, bất cập về quản lý, khai thác tài nguyên du lịch, về cơ sở hạ tầng vật chất, về nguồn nhân lực phục vụ du lịch, về kinh nghiệm phát triển  du lịch, về phát triển sản phẩm… Do đó, cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng của du lịch Điện Biên thời gian tới.

Các đại biểu trao đổi và giao lưu bên lề Hội thảo

Với mục tiêu lắng nghe đề xuất, góp ý để khai thác, phát triển du lịch, Hội thảo thu hút nhiều lượt thảo luận, trao đổi cùng hơn 80 bài tham luận chất lượng từ những nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia ở Trung ương và địa phương. Các trao đổi, tham luận đã làm rõ, sâu sắc hơn tiềm năng, lợi thế, các điều kiện để phát triển du lịch bền vững của tỉnh Điện Biên; phân tích, đánh giá sát, đúng thực trạng phát triển du lịch; làm rõ kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; những vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch bền vững của tỉnh Điện Biên; từ đó đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, đưa ra các kiến nghị đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững của tỉnh Điện Biên, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, định hướng mà Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Tỉnh ủy Điện Biên về phát triển du lịch đã đề ra.

Các bài tham luận gửi đến tham gia Hội thảo đã được Ban Tổ chức tập hợp, xuất bản thành sách Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững (Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia). Bản điện tử của cuốn sách được xuất bản và phát hành trên trang https://sachquocgia.vn.

Để lại một bình luận

0