Trong thời đại ngày nay, sức mạnh văn hóa được xem như “quyền lực mềm” và đã được nhiều quốc gia sử dụng thành công để quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới. Trung Quốc cũng là một nước như vậy. Tuy nhiên, sức mạnh mềm văn hóa của Trung Quốc không chỉ tác động thuận chiều tới các nước, mà nó cũng phải chịu sự phản ứng gay gắt của các nền văn hóa mà nó nhắm đến.

tôn sư trọng đào là nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc

Để nhận diện và hiểu được quá trình hình thành, phát triển của sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc, mức độ ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam và các nước trong khu vực, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc tác động tới Việt Nam và một số nước Đông Á do TS. Nguyễn Thị Thu Phương làm chủ biên. Cuốn sách là thành quả sau bốn năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, sửa chữa, bổ sung của nhóm tác giả với sự trợ giúp của Hội đồng khoa học Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia. Mặc dù là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng cách luận giải vấn đề trong cuốn sách không mang nặng tính lý luận hàn lâm, mà được phân tích, trình bày khá sinh động, rõ ràng, dễ hiểu.

Nội dung cuốn sách được chia làm ba chương:

Chương I: Lý luận sức mạnh mềm, sức mạnh mềm văn hóa và mục tiêu gia tăng sức mạnh mềm văn hóa của Trung Quốc. Ở chương này, các tác giả cung cấp cho bạn đọc hệ thống lý luận liên quan đến khái niệm “sức mạnh mềm”, “sức mạnh mềm văn hóa”; lý giải vì sao văn hóa lại được coi là “sức mạnh mềm” – một thứ quyền lực khôn ngoan trong quan hệ bang giao láng giềng của Trung Quốc. Theo đó, những năm gần đây, Trung Quốc đã dựa vào khung lý luận sức mạnh mềm của phương Tây và căn cứ vào tình hình thực tiễn đất nước để tích cực hoàn thiện hệ thống lý luận sức mạnh mềm văn hóa, nhằm xây dựng hình ảnh Trung Quốc “thân thiện, tử tế, hợp tác, trách nhiệm”, từ đó tranh thủ được thiện cảm, lòng tin của người dân; đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh với các cường quốc sức mạnh mềm văn hóa, tái thiết vành đai văn hóa Đông Á mới, mở rộng ảnh hưởng quyền lực mềm văn hóa ra thế giới, kiên trì phấn đấu trở thành “cường quốc văn hóa xã hội chủ nghĩa”, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”. Qua nội dung chương này, bạn đọc sẽ phần nào hiểu rõ hơn về các mục tiêu, lợi ích mà sức mạnh mềm văn hóa mang lại cho Trung Quốc, cũng như thấy rõ hơn tham vọng trở thành “cường quốc văn hóa” của quốc gia đông dân nhất châu Á này.

Chương II: Các kênh tác động của sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc tại một số nước Đông Á và Việt Nam đi sâu phân tích, luận giải cho bạn đọc thấy được những “ngón đòn” cơ bản mà Trung Quốc sử dụng để lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa của mình đến các nước Đông Á, góp phần thực hiện tham vọng trở thành “cường quốc văn hóa”. Tuy nhiên, việc tạo dựng sức mạnh mềm và vận dụng sức mạnh mềm văn hóa không phải là một vấn đề đơn giản đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là với các cường quốc lớn muốn khẳng định vị thế dẫn đầu về văn hóa. Trong quá trình triển khai đó, Trung Quốc đã sử dụng linh hoạt, thậm chí là “thực dụng” ba kênh tác động chính là ngoại giao văn hóa, truyền thông và hợp tác, tài trợ kinh tế theo hướng khai thác đặc điểm văn hóa dân tộc, nhu cầu kinh tế và bối cảnh phát triển, ý thức hệ của từng quốc gia nhằm tạo dựng nhận thức thiện chí, tin cậy, hay trạng thái tâm lý muốn tìm hiểu, lôi cuốn, ràng buộc với Trung Quốc trong cộng đồng dư luận mỗi nước. Tuy nhiên, hành động khởi động các tranh chấp lãnh thổ với các nước lân cận đang hình thành nên một hình ảnh, ấn tượng trái ngược và đẩy sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc vào tình cảnh phải đối mặt với các phản ứng hoài nghi, mất lòng tin, phản cảm, thậm chí phòng vệ trong nhận thức của người dân Đông Á và Đông Nam Á.

Chương III: Phản ứng của một số nước Đông Á và gợi ý chính sách cho Việt Nam, nhóm tác giả cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đa chiều về sự ảnh hưởng của sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc đối với các nước Đông Á và Việt Nam. Trên thực tế, sức mạnh mềm văn hóa của Trung Quốc đã, đang và vẫn sẽ tác động đến nền văn hóa của các quốc gia trong khu vực, nhưng bên cạnh việc tạo được một phần nào đó sự ảnh hưởng thuận chiều (theo mong muốn từ phía Trung Quốc) thì nó cũng vấp phải sự phản ứng khá quyết liệt của các nước mà nó nhắm đến, trong đó có Việt Nam.

Các tác giả dẫn ra một vài nước châu Á đã tiếp nhận và cải biến sức ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc khá thành công, nổi bật là Nhật Bản. Những gì vốn thuộc về Trung Quốc khi sang đến Nhật Bản, thông qua các thử nghiệm của người Nhật “đều bị hòa tan vào một nước Nhật Bản, mà ở đó cái bên trong, tính địa phương lấn át một cách tự nhiên cái ngoại lai”1. Thậm chí, ngay cả Phật giáo, được truyền vào Nhật Bản qua Trung Quốc, cũng được nhào nặn theo kiểu Nhật Bản. Và các dị bản Nhật Bản của đạo Phật chắc chắn là còn cách xa với cội nguồn của nó hơn dị bản của Trung Quốc rất nhiều2. Điều đó cho thấy, trước sự lôi cuốn và các mối nguy cơ đến từ Trung Quốc, với vẻ ngoài mềm dẻo, nhưng bên trong cứng rắn, Nhật Bản đã từng biến vô số những gì mà nó đã tiếp nhận từ nền văn minh Trung Hoa thành những thành tố được Nhật hóa, làm giàu thêm vốn văn hóa quốc gia mình.

Nhìn lại lịch sử bang giao hàng chục thế kỷ qua giữa Trung Quốc và Việt Nam, chúng ta thấy, việc tiếp nhận văn hóa Trung Quốc diễn ra khá sớm và theo suốt các giai đoạn phát triển của nước ta. Tuy nhiên, sự tiếp nhận đó vẫn luôn được thực hiện một cách chủ động và có chọn lọc. Ví dụ như, các vương triều phong kiến Việt Nam đã tiếp nhận thể chế chính trị mang tính tích cực của Trung Quốc thông qua việc chuyển hóa các giá trị “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền để xây dựng nên mối liên kết nhà nước trung ương tập quyền dựa trên hệ giá trị “trung quân ái quốc” điển hình. Và mặc dù, từ khi, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam từ năm 1991 đến nay, Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh luôn “cầu đồng tồn dị”, nỗ lực thực hiện phương châm 16 chữ: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (tháng 2-1999), kiên trì tinh thần 4 tốt: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (tháng 2-2002) vì mục tiêu xây dựng quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” (tháng 6-2008), nhưng những hành động và ứng xử kiểu “nước lớn” đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đã và đang khiến cho những ký ức về mối đe dọa thường xuyên từ người láng giềng phương Bắc lại có dịp trỗi dậy trong cái nhìn của phần đông người dân Việt Nam, tác động trực tiếp đến việc tiếp nhận những ảnh hưởng của sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc. Người dân Việt Nam luôn có ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc, và hơn hết, tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc vẫn mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

suc manh memNhóm tác giả phân tích một cách khách quan, khoa học về những tác động của sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc đối với Việt Nam, qua đó gợi mở định hướng chính sách ứng phó như: chủ động nhận diện mức độ tác động của sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc, nắm bắt kịp thời các động thái khác nhau của các kênh tác động ngoại giao văn hóa, tài trợ kinh tế, truyền thông trong mối quan hệ với các động thái ngoại giao, chính trị, quân sự; tỉnh táo, thận trọng trong việc tiếp nhận, hấp thu, tiếp biến có chọn lọc những tác động tích cực từ sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc, đồng thời tăng cường “nội lực” văn hóa nhằm chống đỡ, hóa giải những tác động nguy hại gây xói mòn các giá trị nền tảng, làm giảm đi bản sắc văn hóa, chủ quyền văn hóa quốc gia. Từ đó xây dựng “chiến lược nâng cao sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam”.

Cuốn sách Sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc tác động tới Việt Nam và một số nước Đông Á là tài liệu tham khảo có giá trị đối với những nhà hoạch định chính sách, quản lý về văn hóa và bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này.

Nguyễn Thúy

1, 2. Fernand Braudel: Tìm hiểu các nền văn minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.400-401.