Nhiều sự kiện sách gần đây cho thấy mối quan tâm nhiều hơn của xã hội với việc phát triển văn hóa đọc. Nhưng mong sao, từ những khu vực trung tâm, đô thị, các hoạt động này sẽ đến nhiều hơn với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi không chỉ thiếu sách, cần sách mà thậm chí là… “đói sách”.

sach nao chiu

Bên trọng …

Hội chợ sách quốc tế, Ngày Hội sách Hà Nội vừa kết thúc tưng bừng, cuối tháng 10 đầu tháng 11 có Hội sách mùa thu đã theo nếp được tổ chức vài năm nay. Sang năm vào dịp Ngày sách Việt Nam 21 tháng 4, Ngày đọc sách thế giới 23 tháng 4, các hoạt động cổ xúy văn hóa đọc lại tiếp tục rộn rã. Đó là ở nội thành Hà Nội. Còn ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, ngày hội sách các năm qua càng sôi động với nhiều hoạt động lớn như: trưng bày sách, quảng bá, mua bán, giao lưu tác giả, tác phẩm…

Những sự kiện này đã thu hút được hàng chục nghìn bạn đọc yêu sách, đến tìm mua và tham gia các hoạt động giao lưu. Những hoạt động ngày càng nhiều hơn này với số sách bán được không nhỏ, đem lại nhiều đánh giá khả quan về sự cải thiện của tinh thần đọc sách. Cùng với vẻ tươi sáng hơn của văn hóa đọc vốn trong thời gian dài vẫn hay bị nhìn nhận một cách bi quan, ngán ngẩm với những nhận xét rằng: người đọc Việt Nam không đọc, lười đọc, đọc thiếu chọn lọc…

Nhưng hãy xem, các sự kiện tưng bừng, rộn rã ấy tập trung chủ yếu ở đâu? Công viên Thống Nhất, Văn miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… ở Hà Nội. Tại TP. Hồ Chí Minh là trên một số tuyến phố lớn ở trung tâm thành phố. Đây là những nơi có không gian từ vừa phải đến rộng rãi, ở trung tâm, thuận lợi về giao thông, dễ gây chú ý bảo đảm cho việc tập trung đông người và lôi cuốn người quan tâm tìm đến. Gần như đã thành thông lệ, trong thời gian qua, cứ có hội hè, hội ngộ sách vở là nhà tổ chức, nhà làm sách, giới xuất bản, phát hành và công chúng lại tìm đến đó.

… Bên khinh?

Vậy còn những vùng nông thôn, miền xa, sâu ở các huyện, xã từ ngoại thành cho đến các tỉnh, có sách nào đến được, có sách nào “chịu” tìm về?

Đương nhiên, không phải cứ thấy khu vực trung tâm đủ điều kiện thuận lợi để tổ chức các sự kiện sách, là cho rằng những nơi khác cũng có thể dễ dàng như thế. Tổ chức và tham gia các hoạt động này, các bên liên quan phải tính toán rất nhiều yếu tố để bảo đảm hạn chế thấp nhất chi phí vận chuyển, trông nom, tổ chức được nhiều hoạt động hấp dẫn, triển khai bán sách, quảng bá ấn phẩm… sao cho có lãi về doanh thu và cả về mặt quảng bá thương hiệu, hình ảnh, ấn phẩm. Nếu tổ chức những ngày hội sách ở các không gian thưa người, số dân ít, nhất là ở đó truyền thống, thói quen đọc sách chưa được gây dựng thành nếp như ở đô thị, thì đó là cả một bài toán không nhỏ cho các nhà đầu tư, tổ chức.

Song nếu như vậy, thì những nơi xa xôi vốn đã ít sách, điều kiện mua sách, đọc sách hạn chế, sẽ càng ít có cơ hội đón nhận, thụ hưởng những hoạt động, sự kiện về sách nhằm cải thiện món ăn tinh thần mang đặc trưng văn hóa vốn rất nghèo nàn ở những nơi đó này.

Đã có một số nhà xuất bản tổ chức đưa sách về giới thiệu, trao tặng học sinh tại các trường nông thôn, miền núi như chương trình “Chuyến tàu kể chuyện” của Nxb. Kim Đồng. Đã có chương trình “Sách hóa nông thôn” với mô hình “Tủ sách dòng họ”, “Tủ sách phụ huynh”… do anh Nguyễn Quang Thạch sáng lập, rất được người dân, các phụ huynh và học sinh hưởng ứng ở nhiều làng xã, trường học vùng nông thôn. Nhưng còn cần rất nhiều hơn nữa các hoạt động liên hoan, hội chợ, ngày hội sách; cần nhiều hơn nữa chương trình, mô hình đưa sách về quê, lên miền núi. Và các sự kiện, hoạt động này cần được đưa vào chủ trương của Nhà nước, vào chương trình của ngành văn hóa, xuất bản, đưa vào hoạt động của hệ thống thư viện cơ sở, hệ thống bưu điện văn hóa xã…

Bắt tay giữa xuất bản – văn hóa – địa phương

Ngoài việc tổ chức các sự kiện về sách lớn ở thủ đô, các thành phố lớn, các đô thị trung tâm, ngành xuất bản và văn hóa cần phối hợp với chính quyền các địa phương trong việc đưa những ngày hội của sách lan tỏa rộng rãi hơn với những quy mô phù hợp đến các địa bàn cấp tỉnh, huyện, xã.

Để sách có thể lan tỏa rộng và sâu hơn, không cần và cũng khó có điều kiện tổ chức những ngày hội sách hoành tráng, thật nhiều đơn vị xuất bản tham gia. Mà cần tổ chức thường xuyên, thường niên hơn với những hình thức, quy mô nhỏ gọn bằng các hoạt động gần gũi, sinh động để cuốn hút bạn đọc, nhất là với thiếu nhi nông thôn, miền núi như: thi kể chuyện, thi giới thiệu sách, tặng sách, diễn tiểu phẩm từ sách, bán sách giảm giá, giao lưu bạn đọc với các tác giả – tác phẩm ở địa phương…

Mặt khác, bản thân các cấp, ngành quản lý vĩ mô  không thể liên tục đứng ra tổ chức các hoạt động này một cách rộng khắp. Do đó, cần có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp sách, nhà xuất bản, các thư viện, trường học… chủ động tổ chức sự kiện sách ở các địa bàn. Được cổ vũ, được tạo một số thuận lợi về cơ chế, chính sách, nhất là nếu có sự cởi mở chào đón của chính quyền các địa phương cơ sở, các doanh nghiệp sách và nhà xuất bản sẽ hào hứng hơn và có những hình thức sáng tạo phù hợp để “đưa sách về quê”.

Bên cạnh đó, rất cần nghiên cứu phát huy các mô hình đọc sách, cung cấp sách nhiều hơn, với phương thức dễ tìm, dễ đọc hơn cho công chúng nơi xa. Những mô hình xã hội hóa đã phát huy hiệu quả thì nên xem xét hỗ trợ nhân rộng. Ví dụ như khuyến khích lập tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh hay các mô hình tương tự ở địa bàn cơ sở. Cùng với đó, việc đưa sách về tận nơi để quảng bá, tặng và bán với mức giá phù hợp cho bạn đọc sẽ giúp cho người dân ở những nơi này, nhất là học sinh, được tiếp cận, tiếp xúc với sách nhiều hơn, có cơ hội tham dự các hoạt động về sách, từ đó kích thích và thúc đẩy nhu cầu và thói quen đọc sách trong cộng đồng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ngoài các hoạt động xuất bản nói chung, mong muốn phát triển văn hóa đọc đã được hiện thực hóa tích cực hơn trong những năm gần đây với nhiều hoạt động, sự kiện sách lớn, được công chúng quan tâm, dư luận đánh giá tốt. Nhưng làm thế nào để những hoạt động đó được phân bố rộng rãi hơn, để những vùng miền nông thôn, vùng sâu, vùng xa giảm dần tình trạng thiếu sách, “đói sách”, đó chính là ý nghĩa nhân văn, xã hội to lớn mà các ngày hội sách có thể giúp cải thiện tình hình.

Theo Báo Nhân dân