Tham nhũng ngày nay không còn là vấn đề của riêng mỗi quốc gia mà đang trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Ở mỗi nước, tùy vào điều kiện và tình hình cụ thể, các đảng cầm quyền xác định phương thức lãnh đạo phòng, chống tham nhũng khác nhau, phù hợp với đặc thù của mỗi nước. Nghiên cứu kinh nghiệm trong lãnh đạo phòng, chống tham nhũng của một số đảng cầm quyền như: Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân hành động Xingapo, Đảng Nước Nga Thống nhất có thể rút ra những bài học hữu ích cho công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Ở Trung Quốc, chống tham nhũng được xác định là vấn đề sống còn của Đảng và quốc gia. Vì vậy, chống tham nhũng được thực hiện một cách bài bản, có chủ thuyết, có quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, từ cán bộ cấp cao đến nhân dân. Ông Đặng Tiểu Bình đã từng nhấn mạnh: Không trừng trị tham nhũng, nhất là tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Trung Quốc thực sự sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất bại; nguyên Thủ tướng Chu Dung Cơ cũng đã tuyên bố: Nếu có 100 viên đạn, tôi sẽ dành 99 viên cho bọn tham nhũng và viên còn lại sẽ dành cho tôi nếu cuộc chiến thất bại.

Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá trình tổng kết đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đã nhấn mạnh ba mảng công tác quan trọng cần phải làm trong đấu tranh chống tham nhũng. Đó là “tự rèn luyện tính liêm khiết và chấp hành kỷ luật của cán bộ lãnh đạo”; “điều tra xử lý các vụ án lớn, án điểm”; “uốn nắn tác phong sai lệch trong các bộ ngành”. Chống tham nhũng trên ba mảng công tác này là bước đột phá và sáng tạo mới trong công tác chống tham nhũng và xây dựng Đảng; tạo thành chương trình công tác thường nhật, vừa nhấn mạnh tính trọng điểm vừa có tính thao tác mạnh; vừa tập trung giải quyết những hiện tượng tham nhũng nổi cộm, tràn lan trong từng giai đoạn, vừa nhấn mạnh tính lâu dài, gian khổ của cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tuân thủ bốn nguyên tắc cơ bản:

Thứ nhất, phải có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ khi đề ra mọi chính sách quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa.

Thứ hai, phải dựa vào việc phát triển dân chủ, kiện toàn pháp chế để phòng ngừa tham nhũng, phát huy vai trò tích cực của quần chúng nhân dân trong dân chủ bầu cử, dân chủ quyết sách, dân chủ quản lý, dân chủ giám sát.

Thứ ba, phải từng bước thông qua việc tạo ra thể chế mới để từ bỏ mảnh đất và điều kiện nảy sinh tham nhũng.

Thứ tư, về tư tưởng, phải giáo dục sâu sắc tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, giải quyết những vấn đề về tư tưởng như thế giới quan, nhân sinh quan, quan niệm về giá trị cho mọi người. Giáo dục cán bộ, đảng viên thường xuyên rèn luyện tư tưởng, kiên định lập trường, nâng cao phẩm chất, đạo đức.

Trên cơ sở xác định rõ về quan điểm, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiên trì triển khai các biện pháp chống tham nhũng một cách rất bài bản:

Một là, giáo dục tư tưởng chính trị và tác phong liêm chính trong toàn Đảng, hướng trọng tâm vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, công tác chính trị tư tưởng là sự bảo đảm cơ bản của công tác xây dựng tác phong liêm chính của Đảng. Để đẩy mạnh công tác xây dựng tác phong liêm chính của Đảng, triển khai sâu rộng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cần phải nâng cao khả năng chống lại sự tha hóa biến chất, làm trong sạch tổ chức, duy trì tính tiên phong và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Do vậy, cần tăng cường công tác chính trị tư tưởng, ra sức triển khai công tác giáo dục lý tưởng, niềm tin, tôn chỉ và tuân thủ pháp luật; giáo dục đạo đức chí công vô tư, củng cố, nâng cao tố chất chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên, chống lại sự tha hóa biến chất… là nhiệm vụ cơ bản bảo đảm cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự đi vào chiều sâu.

Trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: cần làm tốt công tác giáo dục lý luận, giáo dục tinh thần phấn đấu gian khổ và làm tốt công tác giáo dục kỷ luật và pháp luật… Đối với cán bộ lãnh đạo, cần thực hiện trách nhiệm về tác phong liêm chính trong Đảng. Để cán bộ lãnh đạo gương mẫu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh ba điểm chủ yếu sau:

– Tiếp tục phát huy truyền thống phấn đấu gian khổ, cần cù, tiết kiệm, kiên quyết chống tác phong sai trái, tiêu xài công quỹ, lãng phí xa hoa. Cán bộ lãnh đạo phải nêu tấm gương liêm chính, phải đồng cam cộng khổ với nhân dân, thực sự giúp đỡ họ…

– Quản lý chặt, quản lý tốt gia đình, con cái, gương mẫu trong việc xây dựng gia đình nền nếp, quản lý chặt chẽ nhân viên làm dưới quyền. Hội nghị toàn thể lần thứ hai Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Đảng Trung ương năm 1998 đã quy định, cán bộ lãnh đạo không được phép lợi dụng chức quyền để tạo bất cứ điều kiện ưu đãi nào cho vợ (chồng), con cái và bạn bè thân thiết của mình trong công việc kinh doanh buôn bán, không được vay vốn, vật tư, nhận thầu công trình. Vợ chồng, con cái cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh (bộ) trở lên không được kinh doanh buôn bán tư nhân hay giữ các chức vụ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở địa phương, phạm vi và nghiệp vụ thuộc quyền quản lý các cán bộ lãnh đạo. Những trường hợp vi phạm quy định này phải bị xử lý nghiêm khắc.

– Tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng theo chức trách của mình.

Hai là, thường xuyên uốn nắn tác phong làm việc của một số cơ quan, ngành nghề dễ nảy sinh tham nhũng; đi sâu cải cách, không ngừng triệt phá những vùng đất nảy sinh tham nhũng, đồng thời đẩy mạnh công tác phòng ngừa, từng bước xóa bỏ điều kiện, môi trường làm nảy sinh tham nhũng.

Trung Quốc không ngừng cải cách các lĩnh vực tài chính tiền tệ, chấn chỉnh và quy phạm hóa trật tự tài chính tiền tệ, tăng cường cơ chế pháp trị tài chính và quản lý tài chính, nghiêm khắc xử lý những hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về tài chính. Nghiêm cấm quân đội, công an không được làm kinh tế. Coi trọng xây dựng các quy phạm pháp luật và chế độ kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của cơ quan nhà nước và thực thi công vụ của công chức nhà nước; cải cách chế độ tài chính và quản lý tài sản công; cải cách chế độ tổ chức và nhân sự, dân chủ hóa trong tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ. Thực hiện dân chủ, công khai trong đầu tư xây dựng và đấu thầu, công khai mời thầu, đấu thầu và không được phép cho nhượng thầu các công trình xây dựng; cán bộ lãnh đạo liên quan sẽ bị truy cứu trách nhiệm trong những trường hợp vi phạm quy định; công khai thu nhập, chi tiêu tài chính, tiếp khách, hội nghị; dân chủ hóa ở nông thôn… Coi trọng chỉnh đốn tác phong công tác và thực hiện các điều cấm đối với cán bộ, công chức.

Ba là, tăng cường xây dựng văn bản pháp quy và quy chế liêm chính trong các cấp Đảng, chính quyền, bảo đảm việc chống tham nhũng được thực hiện theo pháp luật.

Trong những năm vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn chú trọng mục tiêu chế độ hóa công tác phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Đảng từ Trung ương đến cơ sở, nhằm làm cho tham nhũng “không có đất” sinh sôi, nảy nở. Thực hiện triệt để các quy định xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng như: Điều lệ giám sát nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Điều lệ xử lý kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quy chế về hành chính liêm khiết của cán bộ lãnh đạo là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quy định về thực hiện chế độ trách nhiệm trong việc xây dựng đảng phong liêm chính. Đến nay, công tác xây dựng đảng phong liêm chính và chống tham nhũng của Trung Quốc đã có luật lệ và quy chế để tuân theo, bảo đảm cho quá trình tổ chức thực hiện được đồng bộ và thống nhất.

Trung Quốc đề ra học thuyết “song trùng trách nhiệm” để tránh tình trạng dung túng, bao che cho tham nhũng. Bộ luật hình sự Trung Quốc quy định cả trách nhiệm hình sự của pháp nhân (cơ quan, tổ chức) trong các tội về tham nhũng. Theo đó, cơ quan, tổ chức có người phạm tội về tham nhũng sẽ bị phạt tiền. Đồng thời, Bộ luật hình sự còn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người trực tiếp lãnh đạo, quản lý cán bộ thuộc quyền có hành vi tham nhũng.

Bốn là, tăng cường giám sát quyền lực; phát huy vai trò tích cực của quần chúng nhân dân.

Giám sát quyền lực được thực hiện dưới nhiều hình thức: chế độ giám sát của Đại hội đại biểu nhân dân; chế độ giám sát trong nội bộ đảng; chế độ giám sát của Hội nghị hiệp thương chính trị; chế độ giám sát hành chính; giám sát xã hội. Để thuận tiện cho hoạt động chống tham nhũng, Trung Quốc sáp nhập Bộ Giám sát và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương thành một cơ quan thực hiện hai chức năng kiểm tra kỷ luật Đảng và giám sát hành chính đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản và Quốc Vụ viện. Cơ quan này được trao thẩm quyền pháp lý đủ mạnh để có thể tiến hành điều tra các vụ án liên quan đến tham nhũng, bất kể đó là ai. Ngoài nhiệm vụ chống tham nhũng, cơ quan này còn được giao nhiệm vụ kiến nghị với Đảng và Nhà nước các biện pháp phòng, ngừa, ngăn chặn tham nhũng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; chỉnh đốn công tác và các sai phạm của cán bộ, đảng viên.

Ngoài cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng và cơ quan giám sát của chính quyền là các cơ quan giúp Đảng và Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng, Trung Quốc còn thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng các cấp, đó là Tổng cục Chống tham nhũng thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cục chống tham nhũng thuộc viện kiểm sát địa phương. Nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách chống tham nhũng là phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng; nghiên cứu các biện pháp xử lý và đề ra các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời có một số quyền hạn chủ yếu sau: tiến hành khởi tố, điều tra tội phạm tham nhũng; thu thập chứng cứ có liên quan đến tội phạm tham nhũng, thẩm vấn nhân chứng, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, kiểm tra người, đồ vật, nơi ở của kẻ nghi án, kẻ che giấu tội phạm; tịch thu các tài sản có liên quan đến tội phạm; bắt giữ kẻ nghi án để thẩm vấn, quản thúc tại nhà kẻ nghi án để thẩm vấn, giao cơ quan công an giải quyết; quyết định truy nã tội phạm, giao cơ quan công an giải quyết.

Để phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, Trung Quốc có quy định phải xem xét cả đơn thư tố cáo nặc danh để phát hiện tham nhũng. Theo quan điểm của những nhà lãnh đạo Trung Quốc, hiện nay pháp luật Trung Quốc chưa hoàn thiện, người tố cáo còn bị đe dọa, do đó cần cho phép người tố cáo được giấu tên và chấp nhận đơn thư nặc danh.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rút ra sáu bài học có giá trị về công tác liêm chính, chống tham nhũng:

1. Công tác xây dựng liêm chính và chống tham nhũng liên quan tới sự sống còn của một quốc gia và của Đảng. Bởi vậy, phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng tới cùng.

2. Công tác xây dựng liêm chính, chống tham nhũng là công tác gian khổ, lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, không mệt mỏi.

3. Nhiệm vụ chống tham nhũng phải được quán triệt, xuyên suốt trong quá trình cải cách mở cửa thì mới bảo đảm được thành công của công cuộc hiện đại hóa và xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

4. Nhiệm vụ chống tham nhũng là nhiệm vụ lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng.

5. Thực hiện biện pháp tổng hợp trừ tận gốc tới ngọn, lấy giáo dục làm cơ sở, lấy pháp chế bảo đảm.

6. Để thực hiện chống tham nhũng có hiệu quả, trước tiên Đảng phải quản lý Đảng, Đảng phải trị Đảng thật tốt[3].

Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Đảng Nhân dân hành động Xingapo

Tham nhũng ở Xingapo từng diễn ra rất phổ biến, với mức độ nghiêm trọng ở tất cả các khu vực dịch vụ công cộng, khiến cho kỷ cương xã hội bị buông lỏng, pháp luật bị xâm phạm. Nhưng hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân hành động (PAP), Xingapo không chỉ được ca ngợi là quốc gia có nền kinh tế phát triển mà còn được đánh giá là một trong những nước trên thế giới chống tham nhũng hiệu quả. Ở đảo quốc này, có thể nói tham nhũng đã được kiểm soát.

Trong quá trình tranh cử, nhờ vào quyết tâm chống tham nhũng mà Đảng Nhân dân hành động (PAP) của Lý Quang Diệu đã đánh bại được đảng đối thủ để giành lấy vai trò cầm quyền vào năm 1959. Cũng chính những nỗ lực chống tham nhũng của PAP đã giúp vực dậy nền kinh tế Xingapo, làm tăng uy tín của Đảng trong xã hội, nhờ đó đã tạo dựng vị trí chính trị cho PAP từ những ngày đầu tham gia chính trường đến nay.

Để chống tham nhũng, PAP rất đề cao vai trò của người đứng đầu

Nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu là tấm gương mẫu mực về sự trong sạch và ý chí kiên quyết chống tham nhũng. Ông không sử dụng ô tô và nhà ở của Nhà nước, không khoan nhượng đối với các công chức tham nhũng, bất kể người đó là quan chức cấp cao hay người thân. Đơn cử là trường hợp của Bộ trưởng Trịnh Trương Viễn, người có nhiều đóng góp cho đất nước, đã cùng Lý Quang Diệu đấu tranh giành độc lập, là người rất mực thân thiết với Lý Quang Diệu, khi bị phát giác là nhận hối lộ chỉ 500 đôla Xingapo, đã xin Lý Quang Diệu tha thứ, nhưng không được, cuối cùng phải tự sát.

Ở Xingapo, mức hình phạt đối với tội tham nhũng rất nghiêm khắc

Bên cạnh Luật chống tham nhũng được ban hành từ năm 1960, Chính phủ Xingapo còn ban hành Luật sung công tài sản. Theo đó, những bị cáo không chấp hành quyết định sung công tài sản của tòa án sẽ bị áp dụng hình phạt tù. Thậm chí khi bị cáo qua đời, tòa án vẫn có quyền ra lệnh trưng thu tài sản có được từ tham nhũng nhằm tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Đây là đạo luật quan trọng trong Bộ luật hình sự của Xingapo, được đánh giá là công cụ đắc lực và rất hiệu quả để cơ quan chức năng tịch thu tài sản do tham nhũng mà có, là vũ khí lợi hại tiêu diệt mục tiêu và cơ sở tồn tại của những kẻ tham nhũng.

Luật pháp Xingapo quy định các tội danh tham nhũng rất chặt chẽ

Mọi lợi ích có được từ việc sử dụng sai trái chức trách và nhiệm vụ được giao, đều bị coi là tham nhũng, bất kể nó xảy ra ở lĩnh vực tư hay công; một người có thể bị khép tội tham nhũng ngay cả khi họ chưa nhận tiền hối lộ; công dân Xingapo phạm tội nhận hối lộ ở nước ngoài cũng bị xử như phạm pháp trong nước.

Tại Xingapo, ngoài phạt tiền, phạt đánh roi và phạt tù, người bị kết tội tham nhũng buộc phải hoàn trả lại số tiền hối lộ đã nhận; đồng thời còn bị tịch thu tài sản và những nguồn tiền mà họ không lý giải được nguồn gốc. Viên chức nhà nước bị tòa kết án tham nhũng sẽ bị mất việc và nếu người này đã về hưu thì tiền lương hưu và các trợ cấp khác cũng mất. Ngoài ra, nếu người tham nhũng đã chết, người thừa kế vẫn phải chịu trách nhiệm về những tài sản do tham nhũng mà có.

Xingapo đã áp dụng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với tội tham nhũng không chỉ nhằm bảo đảm và duy trì sự công bằng, niềm tin của xã hội cũng như sự trong sạch và hiệu quả của bộ máy hành chính mà còn nhằm ngăn ngừa và răn đe những kẻ rắp tâm tham nhũng. Pháp luật Xingapo cũng quy định quan chức cấp cao mà tham nhũng thì bị xử nặng hơn quan chức cấp thấp nếu tính chất, mức độ tham nhũng tương đương.

Mức lương của công chức ở Xingapo khá cao và tương xứng với chức vụ và trách nhiệm của họ. Để công chức luôn phải cân nhắc và giữ gìn phẩm hạnh, ngoài việc thực hiện một chính sách lương bổng thu hút vào khu vực công, Chính phủ còn bắt buộc công chức để lại một khoản có tính chất “bảo hiểm” không nhỏ (tăng dần từ 5% đến 40% lương) gọi là vốn tích lũy chung, và công chức sẽ bị tịch thu nếu phạm tội tham nhũng. Công chức lâu năm khoản tích lũy chung sẽ rất lớn. Vì vậy, công chức nói chung không dám tham nhũng vì e ngại mất khoản tiền tích lũy này.

PAP cho thành lập Cơ quan điều tra chống tham nhũng trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Đây là một cơ quan độc lập chống tham nhũng, có quyền độc lập điều tra và ngăn chặn tham nhũng. Cơ quan điều tra chống tham nhũng được xem là biểu tượng của sự liêm khiết, là công cụ đắc lực của Chính phủ Xingapo trong đấu tranh chống tham nhũng.

Chức năng và nhiệm vụ của Cơ quan điều tra chống tham nhũng là: Tiếp nhận và điều tra các tố giác về tham nhũng trong các cơ quan nhà nước và tư nhân; điều tra và làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp trong công chức nhà nước; ngăn chặn và phòng ngừa tệ nạn tham nhũng bằng cách kiểm tra, xem xét quá trình và phương thức hoạt động trong các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế đến mức tối đa các điều kiện để tham nhũng nảy sinh.

Cơ quan điều tra chống tham nhũng có quyền hạn rất lớn. Bao gồm: tiến hành điều tra đối với các tội phạm tham nhũng; bắt giữ, khám xét người có dấu hiệu hoặc có hành vi tham nhũng; ra quyết định khởi tố hoặc truy tố.

Chính thái độ kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã giúp PAP giành được quyền lãnh đạo đất nước, đưa kinh tế Xingapo phát triển nhanh và bền vững, đồng thời duy trì uy tín và ảnh hưởng đối với đông đảo quần chúng nhân dân. Kiên quyết chống tham nhũng được xem là một trong năm kinh nghiệm thành công của PAP trong lãnh đạo đất nước.

Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Đảng Nước Nga Thống nhất

Đảng Nước Nga Thống nhất (UR) từng được sự tín nhiệm rất cao của người dân Nga. Nhưng 10 năm qua, trong quá trình cầm quyền, do không thường xuyên và kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nội bộ nên UR có nguy cơ mất vai trò cầm quyền. Đây là một bài học xương máu, một lời cảnh tỉnh đối với UR và các đảng cầm quyền trên thế giới.

Tham nhũng đang là “vấn đề” thời sự ở Nga. Theo Interfax, năm 2010 Tổng thống Nga Medvedev thừa nhận có ít nhất 1.000 tỷ rúp (32 tỷ USD) tiền thuế của dân đã bị ăn trộm từ các cuộc đấu giá mua hàng hóa công. Số tiền này tương đương 10% ngân sách Nga năm 2010. Tháng 6-2011, Bộ Kinh tế Nga ước tính người Nga đã phải chi ít nhất 164 tỷ rúp (5,35 tỷ USD) trong năm 2010 để hối lộ giới công chức nhà nước. Ở Nga cứ hai quan chức thì có một người có công ty “sân sau”[4].

Tham nhũng nghiêm trọng và thái độ không kiên quyết trong phòng, chống tham nhũng của UR đã châm ngòi cho những bức xúc trong nhân dân. Người dân xuống đường biểu tình chống đối chính quyền. Họ không còn thật sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của UR, họ đang mong chờ một sự “đổi ngôi” để thay đổi tình hình. Trong cuộc bầu cử Quốc hội của Nga diễn ra vào ngày 4-12-2011 UR chỉ giành được 49,54% số phiếu, giữ 238/450 số ghế trong Hạ viện, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 64% với 315 ghế vào năm 2007. Kết quả này đồng nghĩa với việc UR đã đánh mất quyền đơn phương thông qua bất kỳ thay đổi nào trong hiến pháp. UR sẽ không thể duy trì quyền lực tuyệt đối mà phải chia sẻ với các đảng đối lập.

Tham nhũng cũng làm cho uy tín của Thủ tướng Putin (nay là Tổng thống) bị giảm sút, mặc dù ông vẫn là chính khách được yêu mến nhất nước Nga, nhưng ông đã không còn là “người hùng lý tưởng” trong mắt người dân Nga.

Chủ tịch Đảng, Tổng thống Putin đang phải đối mặt với thử thách đe dọa sự cầm quyền, để lấy lại uy tín và củng cố niềm tin của người dân – yếu tố quan trọng nhất là UR phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội, hàng loạt động thái của Tổng thống Nga Putin được thực hiện trong chiến dịch chống tham nhũng như: tuyên bố thu hồi tài sản Nga từ các quỹ và tài khoản nước ngoài; công bố thông tin về thu nhập và tài sản của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn cũng như người nhà của họ, khẩn trương triển khai trên toàn nước Nga việc làm rõ thủ đoạn rửa tiền của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước. Tổng thống Putin khẳng định “sẽ không tha thứ cho bất kỳ quan chức nào vi phạm luật pháp. Nếu tham nhũng, thống đốc hay thứ trưởng cũng sẽ bị tống vào tù”[5]. Dân chúng Nga đang trông chờ vào quyết tâm của UR, của Tổng thống; việc có lấy lại niềm tin với người dân hay không phụ thuộc rất lớn vào kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Chính phủ.

Một số kinh nghiệm rút ra từ những thành công và không thành công trong phòng, chống tham nhũng của một số đảng cầm quyền trên thế giới

– Đảng cầm quyền phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây được xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu của chiến lược phòng, chống tham nhũng, nếu không mọi giải pháp đưa ra, dù hay dù tốt đến mấy cũng không được bảo đảm thực thi hiệu quả.

– Chống tham nhũng, loại bỏ tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội là một trong những phương sách để đảng cầm quyền xác lập và khẳng định vai trò lãnh đạo của mình; là một trong những biện pháp để đảng cầm quyền hoàn thiện mình trong quá trình lãnh đạo đất nước.

– Phòng, chống tham nhũng là công việc lâu dài, phải tiến hành triệt để, kiên trì, phải được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến tận cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

– Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mẫu mực, trước hết là người đứng đầu, nhất là người đứng đầu Đảng và Nhà nước cần phải là hiện thân cụ thể và thuyết phục của ý chí quyết tâm chống tham nhũng. “Điều kiện tiên quyết trừ bỏ nạn tham nhũng chính là nhân cách trung thực, liêm khiết tuyệt đối, tinh thần xả thân vì sự nghiệp diệt trừ tệ tham nhũng của lãnh tụ chính trị tối cao”[6].

– Hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ; thể chế kinh tế, thủ tục hành chính rõ ràng, công khai, minh bạch là điều kiện quan trọng để ngăn ngừa tham nhũng.

– Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả phải áp dụng đồng thời các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, trong đó phòng ngừa là yếu tố có tính chất quyết định.

– Cần xây dựng một tổ chức độc lập chống tham nhũng. Tổ chức này phải có những quyền hạn nhất định, được áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, độc lập trong hoạt động và được bảo vệ tốt. Cán bộ trong tổ chức này phải là những người liêm chính, có năng lực, trình độ, bản lĩnh và được trả lương cao. Bộ máy tổ chức phải gọn nhẹ, được trang bị những điều kiện phương tiện làm việc thuận lợi để kịp thời phát hiện và xử lý tham nhũng.

– Sự giám sát của quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội và dư luận xã hội là rào chắn chống tham nhũng hết sức quan trọng. Đặc biệt là việc giám sát của dư luận xã hội nhằm chủ yếu chống lại việc lợi dụng chức quyền, mưu lợi cá nhân, coi thường chức trách của các quan chức, bao gồm cả các quan chức cấp cao của chính phủ có tác dụng “răn đe” khá mạnh.

TS. Hoàng Thị Loan[1]*

TS. Vũ Thị Nghĩa[2]* *

Bài viết trích trong cuốn Bàn về giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản



[1]* Tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị – Hành chính khu vực II.

[2]** Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai.

[3]. Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.154.

[4]. Bầu cử ở Nga: “Lời cảnh báo đảng cầm quyền”, báo Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 6-12-2011.

[5]. “Nga chống tham nhũng trong ngành điện lực”, Báo Tuổi trẻ ngày 22-12-2011.

[6]. Hồng Vĩ: Các biện pháp chống tham nhũng ở Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.416.