chong sach lau

Trong khi các nhà xuất bản, nhà sách bản quyền nước ta thời gian qua đang vất vả để tồn tại và phát triển thì lâu nay, các đơn vị làm sách này còn phải đương đầu với nạn sách lậu “đổ bộ” vào thị trường từ nhiều cơ sở in ấn trái phép. Chính những cuốn sách lậu đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín của các đơn vị làm sách chân chính. Vậy sách lậu vì đâu mà có và giải quyết vấn nạn này bằng cách nào?

Sách lậu tràn lan do đâu?

Theo ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News), thống kê ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cứ 6 cuốn sách hay và bán chạy như Đắc Nhân Tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Hạt giống tâm hồn… tại thị trường thì chỉ có một cuốn có bản quyền, còn lại là “hàng nhái”. Đối với Công ty Sách Thái Hà (Thái Hà Book) rơi vào cảnh thê thảm hơn, cuốn Tứ thư lãnh đạo được Thái Hà Book mua bản quyền tiếng Việt trên toàn thế giới, sách còn chưa kịp mang đi in thì đã xuất hiện tràn lan trên thị trường chợ đen khiến Thái Hà Book rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Thời điểm hè năm ngoái, Nhà xuất bản Giáo dục có đợt khảo sát nhiều đơn vị phát hành sách ở các tỉnh thành phía Nam thì phát hiện hàng chục nghìn đầu sách của Nhà xuất bản bị làm giả, bày bán với giá như sách thật. Thực trạng sách lậu ồ ạt tấn công thị trường ấy đã tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh, nói đúng hơn là sự bất công, thiệt thòi, áp lực cho các đơn vị làm sách chân chính. Lý do nào sách lậu lại có cửa “sống” trên thị trường như vậy?

Với câu hỏi trên, ông Nguyễn Văn Phước cho rằng, các cơ sở in lậu khi thấy sách bản quyền hút độc giả phát hành trên thị trường, các cơ sở in lậu đã mua cuốn sách đó và thực hiện việc sao chép lại, hoặc chụp scan để cho ra đời cuốn “sách giả” với đầy đủ tem mác đánh lừa người mua. Có cùng quan điểm, ông Vũ Bá Hòa – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục miền Nam (trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục) nhận định, đơn vị kinh doanh sách in lậu mua số lượng nhỏ hàng thật của các đơn vị thành viên, các công ty sách và thiết bị trường học tại các tỉnh, thành phố địa phương với đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Sau đó, họ trà trộn số sách thật với lượng lớn sách in lậu để đưa xuống các cửa hàng, các cơ sở giáo dục để bán cho bạn đọc.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các mức xử phạt (chủ yếu là phạt hành chính) đối với các cơ sở in, phát hành sách lậu khi bị cơ quan chức năng phát hiện còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Một nguyên nhân khác, nhiều nhà sách bản quyền khi phát hiện cơ sở in lậu sách đã làm đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền đòi quyền lợi, song vì thủ tục có phần rườm rà, thời gian xử lý kéo dài, đơn vị làm sách chân chính nghĩ rằng có thắng kiện thì hiệu quả kinh tế không thu về bao nhiêu nên xa dần việc kiện tụng. Từ đó các đơn vị làm sách âm thầm chịu trận hoặc tự tìm hướng đi để chống lại với nạn in sách lậu. Bởi thế, nắm bắt được tâm lý chung này, không ít cơ sở in sách lậu đã “nhờn luật” và “ngựa quen đường cũ” để thực hiện hành vi sai trái thu về khoản lợi nhuận bất chính. Đó là chưa kể nội dung nhiều cuốn sách lậu sai nội dung gây nguy hại đến sự tiếp nhận thông tin của độc giả.

Đi tìm giải pháp

Từ những nguyên nhân về việc sách lậu tràn ngập trong đời sống nêu trên, điều tất yếu chúng ta phải tìm ra đáp án cho bài toàn khó này. Ông Nguyễn Kiểm – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam từng có ý kiến, chúng ta cần phải thực hiện việc tịch thu tang vật và rút giấy phép, cấm kinh doanh có thời hạn hoặc lâu dài đối với cơ sở in sách lậu thì mới làm họ sợ mà dừng lại việc làm sai trái. Cũng theo ông Kiểm, chúng ta cần có cách xử lý nghiêm hơn với các cơ sở in sách lậu, còn nếu chỉ phạt tối đa vài chục triệu đồng sẽ thiếu hiệu quả.

Đối với các nhà xuất bản, nhà sách bản quyền lâu nay họ vẫn dùng cách đưa tên cơ sở in sách lậu lên các phương tiện truyền thông nhằm giúp công chúng biết để tránh mua phải sách giả. Hoặc nhiều năm qua, nhiều đơn vị làm sách đã tự tìm phương pháp chống làm sách giả với việc làm bìa cứng, bìa nổi; dán tem chống hàng giả, in tem chìm… nhưng cách phòng chống này chỉ duy trì được thời gian ngắn, sau này nhờ công nghệ nên các cơ sở làm sách lậu đã hóa giải được và “nhái” trọn vẹn mẫu mã.

Giới chuyên gia làm sách cho rằng, kết hợp với việc dùng tem chống hàng giả, các đơn vị xuất bản trước tiên cần chọn giấy in loại tốt, khi khách hàng cầm cuốn sách trên tay là biết ngay “hàng thật”, đó là chọn loại giấy với đặc điểm chống lóa, chống mỏi mắt khi đọc và rất nhẹ. Hoặc như cách làm hiện nay của Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị này đã gắn một loại tem đặc biệt trên các ấn phẩm in ra có mã riêng, khách hàng khi sở hữu cuốn sách sẽ cào mã, nhắn tin về tổng đài hoặc đăng nhập vào trang web của Nhà xuất bản để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, nếu “nhái” thì sẽ không nhận được bất cứ thông tin gì về cuốn sách đó.

Tuy nhiên thiết nghĩ, điều quan trọng để dẹp nạn sách lậu vẫn là bạn đọc mua sách. Tâm lý chung của bạn đọc hiện nay vẫn ham mua sách giá rẻ (thường là sách lậu) và tiện thấy sách bán ở đâu mua tại đó. Nên chăng, bạn đọc cần đến với nơi phát hành sách bản quyền để chọn mua ấn phẩm yêu thích, vì đó chính là đòn đánh trúng tử huyệt của cơ sở in và phát hành sách lậu. Khi không còn người mua nữa, chẳng nhẽ sách lậu vẫn được in ra để bày bán cho vui?!

Phạm Quỳnh

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống