Sáng 26/6/2024, tại thành phố Nam Định, Tỉnh ủy Nam Định, Báo Nhân Dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn”.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Các đại biểu dự Hội thảo
Dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; lãnh đạo các doanh nghiệp và tổ chức, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học…
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn”
Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn” được tổ chức nhằm góp phần cung cấp cơ sở khoa học khẳng định quan điểm, định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh; tạo diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về vấn đề phát triển kinh tế xanh trên thế giới và tại Việt Nam; tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng; dự báo những yếu tố tác động, đề xuất phương hướng, giải pháp thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế xanh và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong thời gian tới.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định phát biểu chào mừng Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với sự phát triển của đất nước và của địa phương, trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh Nam Định luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải tại các khu, cụm công nghiệp, hướng tới xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, xanh, bền vững, đạt được các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt là thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26.
Vừa qua, theo công bố đánh giá chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 5/2024, Nam Định đạt 27,75 điểm, tăng 15,35 điểm so với năm 2022; trong đó 3/4 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai; Đảm bảo tuân thủ; Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ. Đây là nền tảng, tiền đề thuận lợi để tỉnh Nam Định bước vào giai đoạn phát triển mới nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn” nhằm chia sẻ các quan điểm về cách tiếp cận kinh tế xanh ở Việt Nam trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đề xuất các giải pháp về huy động nguồn lực đầu tư trong phát triển kinh tế xanh; qua đó thu nhận các thông tin, bài học kinh nghiệm hữu ích từ các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học và từ các doanh nghiệp; gợi mở ra hướng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, phát triển kinh tế xanh hiện là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Tại Việt Nam, xây dựng nền kinh tế xanh đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Cùng với đó, Quốc hội cũng đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh.
Từ năm 2021 đến nay, các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp đã triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi kinh tế xanh và đã đạt được những kết quả bước đầu, có tác dụng tích cực đối với tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và nỗ lực thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Tuy nhiên, thực tế phát triển kinh tế xanh hiện nay còn gặp nhiều rào cản. Cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam chưa được hoàn thiện, mới dừng ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung vào tăng trưởng xanh; ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao.
Bên cạnh đó, vấn đề tài chính, nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu; công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.
Các ngành sản xuất năng lượng sạch như: gió, mặt trời… phát triển chưa đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật báo cáo Đề dẫn Hội thảo
Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, trước tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, chuyển đổi kinh tế xanh đang là một xu thế tất yếu cho sự phát triển. Việc từng bước xanh hóa sản xuất đồng thời áp dụng chuyển đổi số trong nền kinh tế đã và đang tạo ra lợi thế cạnh tranh, cơ hội để xây dựng chiến lược phát triển nền kinh tế bền vững và hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, hiện nay kinh tế thế giới đang biến động rất nhanh và phức tạp dưới tác động của các yếu tố như: sự phát triển nhanh của công nghệ, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và khó lường; sự thiếu hụt về tài nguyên và năng lượng… chính là thách thức không nhỏ với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.
PGS.TS. Hoàng Văn Hoan trình bày tham luận tại Hội thảo
Đồng chí Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định trình bày tham luận tại Hội thảo
Để Hội thảo diễn ra thành công và đạt hiệu quả, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ 3 nội dung cơ bản: Phân tích làm rõ những vấn đề lý luận và kinh nghiệm trong nước, quốc tế về phát triển kinh tế xanh: các lý thuyết về phát triển kinh tế xanh (quan điểm, tiêu chí, tính tất yếu, môi trường và điều kiện phát triển kinh tế xanh…); Xu hướng, kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh trên thế giới và bài học rút ra cho Việt Nam; Thể chế, chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước và kế hoạch, chương trình các bộ, ngành, địa phương về phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững; Thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng, các mô hình phát triển nền kinh tế xanh, mô hình kinh doanh có trách nhiệm (tín dụng xanh, kế toán xanh, marketing xanh, logistic và quản trị chuỗi cung ứng xanh, quản trị nhân lực xanh…), từ đó rút ra những kết quả đạt được, các hạn chế, bất cập và nguyên nhân, các vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế xanh hiện nay; Đề xuất phương hướng, giải pháp thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế xanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh trong thời gian tới.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 170 bài viết, các tác giả đã dành nhiều công sức, trí tuệ để phân tích, đánh giá làm sáng tỏ các nội dung theo chủ đề Hội thảo. Tuy nhiên, do dung lượng của cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn” có hạn nên Ban Tổ chức Hội thảo chỉ lựa chọn đưa vào cuốn sách gần 90 bài tham luận tiêu biểu của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tổng kết Hội thảo
Tại Hội thảo, các bài tham luận đã tập trung làm rõ những vấn đề lý luận chung về phát triển kinh tế xanh, trong đó đã phân tích về các quan niệm, nhận thức, các yếu tố tác động, đặc điểm, và nội hàm phát triển kinh tế xanh trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, Hội thảo đã phân tích những kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về phát triển kinh tế xanh và gợi mở cho Việt Nam; đồng thời nêu rõ Việt Nam là nước đang phát triển cần phải đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh để sớm trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh, với tinh thần nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm của các nhà khoa học, Hội thảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung phân tích, luận giải, làm rõ các nội dung khoa học xoay quanh chủ đề Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn.
“Ý kiến của các nhà khoa học và các đại biểu sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với việc phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay. Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc và các giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở để các cơ quan xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh bền vững, hiệu quả và tăng trưởng ở Việt Nam trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” – đồng chí Lại Xuân Môn khẳng định.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm