Việt Nam trong tiểu vùng sông Mê Công – Cho một dòng sông phát triển bền vững

Đặt Việt Nam trong bối cảnh văn hóa vùng là một trong những xu thế nổi lên gần đây trong nghiên cứu của giới sử học và văn hóa học trong nước. Điều này phù hợp với cách tiếp cận vừa tổng quan vừa cụ thể cho phép nhìn nhận các vấn đề của Việt Nam có thể hiện ra trong mối tương quan khung cảnh chung, nhưng không vì thế bỏ qua những đặc thù của đối tượng nghiên cứu. Cách tiếp cận này cũng là một trong những hướng mà sử học và văn hóa học trên thế giới đang không ngừng phát triển để kiến tạo nên những góc nhìn mới cho những đối tượng quen thuộc. Đó có lẽ là những lý do để hai giảng viên khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm thực hiện (chủ biên) cuốn sách tham khảo quan trọng mà Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật muốn giới thiệu với bạn đọc, Việt Nam trong tiểu vùng sông Mê Công – Cho một dòng sông phát triển bền vững.

Việt Nam trong tiểu vùng sông Mê Công - Cho một dòng sông phát triển bền vững

Cuốn sách Việt Nam trong tiểu vùng sông Mê Công – Cho một dòng sông phát triển bền vững

Lịch sử nhân loại luôn chứng kiến các nền văn minh, lớn hay nhỏ, cổ xưa hay mới đây, lấy các dòng sông làm trục phát triển của mình. Quy mô của một nền văn minh dường như cũng tương ứng với những giá trị hữu hình và vô hình mà một dòng sông mang lại cho con người. Là một trong những dòng sông lớn nhất của châu Á với chiều dài gần 5000 km chảy từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mê Công cũng đã nuôi dưỡng hai bên bờ của nó cả một nền văn minh khổng lồ và đa dạng trải ra suốt một chiều dài lịch sử hơn năm ngàn năm, và trên một diện tích hàng triệu km2 với đủ mọi địa hình, từ núi cao tới bình nguyên, từ những vùng phân cắt sâu đến các đồng bằng thẳng cánh cò bay, từ những dãy núi già có tuổi đời hàng trăm triệu năm đến những vùng châu thổ mỗi năm lấn thêm ra biển hàng trăm mét. Nền văn minh đó trong những biểu hiện của thời hiện đại không khuôn hẹp trong một đường biên quốc gia mà chia cho hơn sáu quốc gia. Dòng sông Mẹ – như ý nghĩa tên gọi của nó trong ngôn ngữ cổ của các tộc người và dân tộc hai bên dòng sông – đã hào phóng nuôi dưỡng hơn sáu đứa con trong hình hài hiện đại. Những ghi chép của lịch sử, đặc biệt thời cận đại trước sự khám phá rồi xâm lược của phương Tây đã cho thấy tiềm năng của tiểu vùng ra sao, và con người đã khai thác dòng sông Mẹ như thế nào. Sự tăng tốc chiếm hữu thiên nhiên đã hiện rõ không chỉ trong thời kỳ cận đại dưới ách thuộc địa, mà cả trong thời hiện đại với những tranh chấp lãnh thổ, chính thể và sắc tộc. Chính bởi thế, việc gìn giữ những giá trị của nó, sự phong phú đa dạng của sinh cảnh, không chỉ có ý nghĩa với những con người sống ở đó mà còn cho cả những con người từ nơi khác đến, không chỉ cho quá khứ mà còn cho tương lai. Việc tìm hiểu những mối quan hệ chồng chéo, phức tạp qua hàng ngàn năm lịch sử có thể hữu ích cho người đương thời để mỗi chúng ta có thể sống chung một cách bền vững. Cuốn sách giới hạn về mặt địa chính trị ở cách gọi quen thuộc “tiểu vùng” nhằm đặt sang bên một trong những quốc gia lớn nhất thế giới ở đầu nguồn của dòng sông. Quốc gia đó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển cho cả vùng, song có lẽ đó là một trong những vấn đề khác của những cuốn sách khác.

Chính bởi thế, cuốn sách Việt Nam trong tiểu vùng sông Mê Công – Cho một dòng sông phát triển bền vững được chia ra làm bốn phần. Phần thứ nhất là một cái nhìn tổng quan về điều kiện tự nhiên và con người của tiểu vùng sông Mê công, các tác giả đã cho người đọc thấy những nội dung hữu ích của các đặc điểm rất khái quát về sắc tộc và tự nhiên để người đọc có thể hình dung được một diện mạo chung. Phần thứ hai, cuốn sách đi vào trình bày vắn tắt lịch sử của năm quốc gia hiện đại ven dòng sông Mẹ, Việt Nam, Mianma, Thái Lan, Campuchia và Lào. Khuôn lịch sử phức tạp và đầy biến động của năm quốc gia chỉ vào gần 200 trang đòi hỏi các tác giả phải tìm một cách trình bày vừa quen thuộc, vừa mới mẻ. Sự quen thuộc nằm ở việc đi vào sự phân kỳ của từng quốc gia theo thời đại. Sự mới mẻ của cuốn sách nằm ở việc các tác giả cố gắng kết nối những quốc gia hiện đại trong quá trình trình bày chứ không chỉ nêu ra chúng như là những sự kiện độc lập. Hơn ai hết, các tác giả ý thức rõ về mối liên kết chặt chẽ về văn hóa và sắc tộc vượt khỏi mọi đường biên chính trị. Phần thứ ba, cuốn sách đi thẳng vào những liên kết chặt chẽ đó như một trong những vấn đề quan trọng nhất của lịch sử đời sống hiện đại và đương đại qua chính từ khóa: hợp tác tiểu vùng sông Mê Công. Chính ở thời điểm này, dấu ấn của con người lên diện mạo khu vực mới trở nên rõ nét. Bởi như các tác giả đã nói, dòng sông Mẹ ấy đang kêu cứu, đang cạn kiệt nguồn tài nguyên đa dạng sinh học và giàu có về trữ lượng để nuôi gần 300 triệu con người. Chỉ có sự hợp tác trong tiểu vùng mới có thể mang lại những cơ hội để gìn giữ di sản đó cho hiện tại và tương lai, mới có thể cho phép năm quốc gia vùng trung và hạ lưu có tiếng nói với quốc gia lớn ở vùng thượng lưu. Về mặt thiên nhiên, một số vấn đề gay gắt đã được đặt ra như quản lý nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu, các vấn đề con đập trên dòng sông… Về mặt chính trị, đó là sự hợp tác giữa các quốc gia trong tiểu vùng để có tiếng nói với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…

Bởi giai đoạn hiện tại là thời điểm có ý nghĩa đặc biệt cho Việt Nam cũng như các nước trong khu vực tái định vị những mối ưu tiên, xác định cơ sở tài nguyên, kinh tế, chính trị, xã hội cho các kế hoạch phát triển dài hạn trong tương lai, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, vừa bảo đảm lợi ích khu vực; do đó, phần thứ tư cũng như kết luận của cuốn sách trình bày chính sách của Việt Nam trong nỗ lực hướng tới sự phát triển bền vững cho dòng Mê Công và phác thảo một số mẫu hình của tương tác khu vực trong quá khứ, khái quát lại vị trí của Việt Nam trong khung cảnh khu vực đó.

Cuốn sách của Vũ Đức Liêm – Ninh Xuân Thao đồng chủ biên, nghiên cứu về lịch sử, không còn chỉ có chiều kích quá khứ mà cả chiều kích hiện tại và tương lai khi dựa trên thư mục tham khảo rộng rãi cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Không chỉ có những nghiên cứu lịch sử công phu của thế hệ trước mà có cả những ghi chép thực dân. Các tác giả không chỉ khảo cứu mà còn tiến hành khảo luận. Việt Nam trong tiểu vùng sông Mê Công – Cho một dòng sông phát triển bền vững vượt ra khỏi một nghiên cứu lịch sử mà hướng đến một giá trị tham khảo hữu ích về địa chính trị cho những suy ngẫm hiện tại. Đó là một tài liệu tham khảo khả tín về số liệu cũng như tầm nhìn cho nghiên cứu chính trị.

Đỗ Thu Huyền