Trọn đời vâng lệnh quốc dân, vì nước, vì dân

Trọn đời vâng lệnh quốc dân, vì nước, vì dânBác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh tư liệu)

Trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, đăng trên báo Cứu quốc ngày 21/1/1946, Bác Hồ nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Trong Di chúc năm 1969, Bác Hồ viết: “Về việc riêng – Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Dưới góc độ văn học, hai đoạn văn trên có điều gì đặc biệt?

Thứ nhất, toàn bộ lý tưởng, lẽ sống cao đẹp và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ xoay quanh, thể hiện và thực hành bốn chữ “Vì nước, vì dân”. Điều đó thể hiện sâu sắc ở quan niệm, tấm lòng, tình yêu của Bác dành cho nhân dân, đất nước.

Khi đảm nhiệm cương vị nguyên thủ quốc gia, Bác không nói là “nhậm chức” Chủ tịch (nước), mà nói là “gánh vác”. “Ghé vai gánh vác sơn hà/ Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu” (Ca dao). Từ “gánh vác” mang hàm ý khái quát là gánh lấy việc khó khăn, nặng nề. Dùng từ “gánh vác”, Bác đã tự xác định được vị trí lớn lao, trách nhiệm nặng nề của mình ở cương vị chủ tịch nước để từ đó tâm nguyện thực hiện đến nơi đến chốn trọng trách cao cả này. Bác thấu hiểu rằng, cương vị của mình là được “đồng bào ủy thác” là vinh dự to lớn, nên đã tự hứa rằng phải gắng sức làm, làm như tinh thần, ý chí, trách nhiệm của một người lính xông pha ra mặt trận, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hiểm nguy, thậm chí hy sinh cả tính mạng mình để làm tròn bổn phận thiêng liêng đối với Tổ quốc.

Không dùng từ mong muốn, nguyện vọng, mà Bác nói rõ là “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Xét về ngữ nghĩa, từ “ham muốn” với hàm ý nhấn mạnh mong muốn, ước vọng thấu đáo hơn, mãnh liệt hơn để đạt được mục đích cao cả; từ “chỉ” nhằm khẳng định tinh thần trước sau như một, ý chí không lay chuyển về mục tiêu cách mạng của Bác; cụm từ “ham muốn tột bậc” nhằm tăng thêm sắc thái biểu cảm, niềm khát vọng thiết tha, cháy bỏng nhất của Người đối với nước, với dân.

Lý tưởng phụng sự của Bác thể hiện sâu sắc ở cụm từ “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Sử dụng tính từ “hoàn toàn” trước hai chữ “độc lập, tự do” với hàm ý khẳng định là chủ quyền đất nước phải thật sự được độc lập và độc lập trên mọi phương diện; nhân dân phải thật sự được hưởng quyền tự do, dân chủ toàn diện về mọi mặt. Vì độc lập, tự do, từng được Bác khẳng định như một chân lý của thời đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Cùng với hưởng quyền độc lập, tự do, mọi người dân đều có cuộc sống vật chất no đủ (cơm ăn), đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh (áo mặc), có điều kiện được giáo dục (học hành). Đây là ba nhu cầu thiết yếu, căn bản để giúp con người tồn tại và phát triển. Đó cũng là khát vọng của mọi người dân lao động ở mọi thời đại, mọi quốc gia dân tộc.

Thứ hai, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác luôn hướng đến mục đích cao đẹp là mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Trọn đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, chuẩn bị về “thế giới bên kia” mà lòng Bác vẫn đau đáu điều tiếc nuối là không được phục vụ đất nước, nhân dân nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa. Bác làm gì cũng chỉ nghĩ đến nước đến dân, lo cho nước cho dân, dành toàn bộ công sức, tâm huyết, trí tuệ cho nước cho dân, để rồi trước khi nhắm mắt xuôi tay, Người vẫn không quên căn dặn “chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Bác vẫn không muốn người dân vì sự tôn kính, ngưỡng mộ mình mà phải thêm phiền hà, lãng phí về thời gian, tiền bạc của dân, đúng là một người “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” (Tố Hữu).

Thứ ba, ở vị trí nguyên thủ cao nhất của quốc gia, Bác Hồ không nghĩ mình là người có quyền cao chức trọng, mà chỉ coi mình như một người lính biết vâng lệnh, biết tuân thủ, biết chấp hành, biết thực hiện bổn phận, nghĩa vụ thiêng thiêng đối với Tổ quốc. Bác Hồ cũng là vị lãnh tụ, lãnh đạo đầu tiên của nước nhà nói về “văn hóa từ chức” khi Người khẳng định: “Bao giờ đồng bào cho lui, thì tôi rất vui lòng lui”. Từ “lui” ở đây tỏ ý khiêm nhường khi biết mình có thể vì tuổi tác, năng lực, uy tín chưa tương xứng, ngang tầm với vị trí quyền lực được nhân dân ủy thác, trọng trách được nhà nước giao phó, nên tự giác, vui vẻ chấp thuận trở về với cuộc sống đời thường của muôn dân, để có thời gian trò chuyện, câu cá với cụ già, nô đùa cùng con trẻ. Điều này càng thể hiện rõ nhân cách vĩ đại của Người – tuyệt nhiên không ham công danh phú quý và cũng không muốn dính líu gì với vòng danh lợi. Ngay cả trước lúc từ biệt cõi trần, Bác cũng không muốn bất cứ một “đặc ân, đặc lợi” nào mà Đảng, Nhà nước, nhân dân dành riêng cho cá nhân mình, mà chỉ mong ra đi thanh thản, cốt nhục được hòa vào hồn sông khí núi, hòa vào lòng đất mẹ thân thương như bao người dân bình thường khác. Quả là sự khiêm nhường, từ tốn, thanh cao không có gì sánh bằng, xuất phát từ tâm hồn, khí phách của một bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng”!

Cả hai đoạn văn tuy ngắn, một đoạn 145 từ, một đoạn 79 từ, song câu từ cô đọng, súc tích, lời lẽ chân thành, giản dị, đúng với phong cách viết của Bác Hồ là dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Bác đã dùng những từ ngữ thuần Việt thân tình, nhẹ nhàng, gần gũi như lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân, mà vẫn toát lên sự uyên thâm, tinh tế cần thiết của một văn bản chính luận đòi hỏi sự chuẩn mực, nghiêm túc, trang trọng. Đó là các từ: Gánh vác, vâng mệnh lệnh, lui, ham muốn, cơm ăn áo mặc, cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, vòng danh lợi, hết lòng hết sức, từ biệt thế giới này, hối hận, tiếc rằng, phúng điếu linh đình, lãng phí thì giờ và tiền bạc… Khi nói về chủ thể người dân, Bác đã linh hoạt sử dụng nhiều từ như: Đồng bào, quốc dân, dân ta, nhân dân,… thể hiện hình thái biểu cảm cho câu văn phù hợp với tâm thế, tâm trạng, tình cảm của người viết và qua đó góp phần tạo thêm tình cảm gần gũi, thân thiết với người đọc.

Điều gì xuất phát từ trái tim thì dễ đến trái tim người khác. Bởi thế, khi đọc những dòng chữ chứa chan “hồn Việt” này, chúng ta mới thấy từng từ ngữ của Bác như thấm vào tận tim can trong lòng mình, mới thấu hiểu “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người!” (Tố Hữu)./.

Nguyễn Văn Hải