TP HCM nỗ lực cắt đứt đường lây nhiễm Covid-19

TP HCM sẽ dùng tất cả phương pháp xét nghiệm để phát hiện ca dương tính nhanh nhất, nhằm cắt đứt đường lây nhiễm Covid-19.

Đến nay, TP HCM ghi nhận 1.060 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ ba cả nước (sau Bắc Giang, Bắc Ninh). Dịch đã xuất hiện ở 22/22 quận huyện, thành phố, 382 khu vực bị cách ly. Nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây với hàng trăm ca nhiễm.

Hôm qua (16/6), ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND thành phố được phân công trực tiếp chỉ đạo tất cả vấn đề liên quan chống dịch trên địa bàn. Động thái này, theo UBND thành phố, nhằm tập trung cho công tác chỉ đạo trong tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, thực hiện “mục tiêu kép” trong năm 2021.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chi viện TP HCM, đề xuất cần tận dụng mọi năng lực xét nghiệm, kể cả test nhanh kháng nguyên, xét nghiệm mẫu đơn, xét nghiệm mẫu gộp…

Theo đó, thành phố triển khai tất cả cách thức xét nghiệm để đảm bảo thời gian, phát hiện trường hợp nghi ngờ dương tính một cách nhanh nhất, khi mà chu kỳ lây nhiễm của biến chủng Delta (chủng Ấn Độ) ngắn hơn nhiều so với các chủng trước đây.

“Chúng tôi đề xuất sử dụng test nhanh quét ngay tại vùng có ổ dịch, áp dụng với các trường hợp tiếp xúc gần. Thời gian test nhanh chỉ mất 2-3 giờ. Sau khi có kết quả test nhanh, nếu dương tính sẽ cách ly ngay, sử dụng RT-PCR mẫu đơn. Với người âm tính thì sau đó xét nghiệm mẫu gộp để quét qua một lần nữa”, ông Sơn nói.

Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM, cho biết khi đánh giá dịch tễ cho thấy cần xét nghiệm thì phải tiến hành xét nghiệm ngay dù khu vực rộng hay hẹp. Trong vòng 1-2 giờ sau khi phát hiện ca nhiễm phải xác định được F1 để khoanh vùng và thu hẹp vùng giám sát. Hiện nay, xét nghiệm là công cụ để khoanh vùng dịch.

Ông Lân phân tích, TP HCM quy định những F1 đầu tiên là những ca nguy cơ nhất, do đó trong 6-10 tiếng phải xét nghiệm xong. Khi F1 được xác định nhanh, việc giải quyết lấy mẫu xét nghiệm, chặt đứt đường lây cũng rất nhanh.

TP HCM cũng đang tính phương án cách ly F1 tại nhà, để giảm tải cho các khu cách ly tập trung.


Công nhân Công ty Solen ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, được lấy mẫu, sáng 3/6. Ảnh: An Phương

Để tăng cường năng lực chống dịch cho TP HCM, Bộ Y tế đã chuyển 800.000 liều vaccine.  Các lực lượng quân đội, trường đại học, bệnh viện từ trung ương đến địa phương cho tới trạm y tế xã… sẽ tham gia chiến dịch tiêm chủng. Các kíp, đội được thành lập, nhiều điểm tiêm lưu động được mở để đảm bảo triển khai tiêm vaccine trong thời gian ngắn nhất.

Hôm qua, 6 nhà máy với gần 3.000 công nhân thuộc các khu công nghiệp ở quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và Củ Chi, bị phong tỏa do ghi nhận nhiều ca Covid-19. Hơn 140 trường hợp F1 được đưa đi cách ly tập trung, gần 800 công nhân bị cách ly tại nhà máy trong 14 ngày.

Cùng ngày, xưởng may và nhà máy Công ty thực phẩm Vạn Đức, đều đóng tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, với tổng cộng 1.000 công nhân cũng bị phong toả sau khi ghi nhận ca nhiễm. Trong số này, ca bệnh ở xưởng may liên quan chuỗi lây nhiễm tại xưởng cơ khí ở Hóc Môn đến nay ghi nhận 51 ca.

TP HCM hiện có 1,6 triệu công nhân và lao động, trong đó riêng 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và một khu công nghệ cao hơn 320.000 người. Môi trường làm việc ở nhà máy được đánh giá là khép kín, đông người… dịch khi xuất hiện dễ bùng phát, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn tới sản xuất và người lao động.

Trong khi đó, dịch bệnh Nghệ An vẫn tiếp tục căng thẳng. Sau khi ghi nhận 4 ca nhiễm Covid-19, Nghệ An quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố Vinh với hơn nửa triệu dân, theo chỉ thị 15, từ 0h ngày 17/6.

“Dự báo dịch bệnh ở Nghệ An còn nhiều diễn biến phức tạp”, ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An nói.

Quân đội phun khử khuẩn tại TP Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải

Thành phố Vinh với diện tích 104 km2, hơn 500.000 người sẽ thực hiện chỉ thị 15 với các yêu cầu hạn chế tụ tập đông người; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên; tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu…

Ngoài ra, 8 khối dân cư và một tòa chung cư của phường Hà Huy Tập, 3 khối của phường Hưng Dũng với hàng nghìn nhân khẩu bị phong tỏa theo chỉ thị 16. Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh và bệnh viện đa khoa Cửa Đông đang dừng hoạt động khám chữa bệnh ngoại trú, lấy mẫu xét nghiệm nhân viên.

Ngày 14/6, thành phố Vinh lần đầu ghi nhận ca nhiễm Covid-19 cộng đồng, bệnh nhân là cô gái 22 tuổi quê Hà Tĩnh, tạm trú và làm nghề uốn sấy tóc tại phường Hà Huy Tập.

Đêm 15/6, nam nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở Vinh được xác định dương tính nCoV, song chưa rõ nguồn lây. Chiều 16/6 nhà chức trách ghi nhận thêm hai ca bệnh, đều trú tại TP Vinh và liên quan nam nhân viên này.

NGUỒN Viết Tuân (VNEXPRESS)

0