Vùng đất Nam Bộ – Quá trình hình thành và phát triển (2 tập)

Nam Bộ là khúc ruột đau thương, nơi đầu sóng ngọn gió, luôn đối đầu với quân thù tàn bạo, là miền đất “đi trước về sau”, nơi mở đầu và kết thúc hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Lịch sử vùng đất Nam Bộ là một phần của lịch sử Việt Nam, một bộ phận đặc thù của lịch sử văn hóa Việt Nam. Để giúp bạn đọc hiểu sâu sắc và toàn diện hơn về mảnh đất và con người Nam Bộ, trong năm 2017, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách về vùng đất Nam Bộ gồm 12 tập[1]. Trong đợt ra mắt lần này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bộ tổng quan Vùng đất Nam Bộ – Quá trình hình thành và phát triển (gồm 2 tập) do GS. Phan Huy Lê làm chủ biên. Bộ sách được viết dựa trên đề án khoa học của nhiều nhà nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép triển khai từ năm 2008.

Bộ sách ngoài chương mở đầu và chương kết có 10 chương nội dung, được kết cấu hoàn chỉnh. Với dung lượng 1.500 trang sách được chia thành hai tập: tập I gồm chương mở đầu và sáu chương nội dung, tập II gồm bốn chương nội dung và chương kết. Bộ sách đã phác họa những nét cơ bản nhất tiến trình lịch sử của vùng đất và con người Nam Bộ từ cội nguồn cho đến nay; đồng thời cùng với lớp cắt lịch đại theo tiến trình lịch sử, cuốn sách đã nghiên cứu khá toàn diện trên ÂÂ nhiều lĩnh vực cơ bản của vùng đất phương Nam từ điều kiện tự nhiên, quan hệ tộc người, thiết chế quản lý xã hội, đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, về quá trình xác lập chủ quyền của quốc gia Đại Việt, quá trình Nam Bộ hội nhập với khu vực và quốc tế…

Cuốn sách giới thiệu khái quát về thời tiền sử khi con người xuất hiện trên vùng đất Nam Bộ và chủ yếu bắt đầu từ văn hóa Óc Eo với nước Phù Nam, nghĩa là từ khi Nhà nước đầu tiên ra đời trên vùng đất này vào đầu Công nguyên. Tiếp theo, cuốn sách trình bày quá trình lịch sử sau khi nước Phù Nam sụp đổ, từ thế kỷ VII cho đến thế kỷ XVI, khi vùng đất Nam Bộ phụ thuộc vào nước Chân Lạp và từ thế kỷ XVII khi những nông dân người Việt rồi một số người Hoa vào khai hoang lập nghiệp. Đến giữa thế kỷ XVIII, toàn bộ vùng đất Nam Bộ đã hoàn toàn thuộc lãnh thổ và chủ quyền của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Từ khi triều Nguyễn thành lập vào đầu thế kỷ XIX, vùng đất Nam Bộ là bộ phận của nước Việt Nam thống nhất từ Bắc đến Nam. Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, và kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cuốn sách cũng đã khái quát lại một cách rõ nét quá trình đấu tranh, đương đầu với kẻ thù, gây dựng lại đất của vùng đất Nam Bộ anh dũng trong những năm chiến tranh. Trong suốt quá trình lịch sử đó, cộng đồng cư dân các dân tộc trên đất Nam Bộ càng ngày càng gắn bó với nhau trong vận mệnh chung của quê hương và đất nước, trong nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ vùng đất Nam Bộ.

Bộ tổng quan Vùng đất Nam Bộ – Quá trình hình thành và phát triển đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu dưới góc độ của nhiều chuyên ngành từ địa chất, địa lý đến khảo cổ học, dân tộc học, nhân học, xã hội học, kinh tế học, văn hóa học và sử học. Bộ sách một mặt tổng hợp các kết quả nghiên cứu đó, mặt khác nghiên cứu thêm một số nội dung cần thiết nhằm tạo ra một nhận thức tổng hợp về toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của vùng đất phương Nam này. Đó là cơ sở khoa học để hiểu biết và lý giải những nét độc đáo của không gian lịch sử văn hóa vùng đất Nam Bộ với những trầm tích của nhiều thời kỳ lịch sử, những biến đổi trong cấu trúc tộc người, vai trò và cống hiến của các lớp cư dân – tộc người đã từng sinh sống trên vùng đất này, những đặc trưng về văn hóa, phong cách, lối sống của con người Nam Bộ, quá trình hội nhập của vùng đất Nam Bộ vào lãnh thổ của nước Đại Việt từ thế kỷ XVII-XVIII cho đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước đến ngày nay. Trên cơ sở đó, cuốn sách cũng dành một phần thích đáng trình bày về cuộc sống cộng đồng cư dân Nam Bộ và mối quan hệ đoàn kết, giao thoa văn hóa mật thiết giữa các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm, Mạ, Xtiêng, Chơ Ro… và những nét đặc trưng của không gian lịch sử, văn hóa Nam Bộ, với tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa, về thiết chế quản lý ở xã hội Nam Bộ. Các tác giả nhấn mạnh truyền thống đoàn kết dân tộc của cộng đồng các dân tộc ở Nam Bộ trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như trong đấu tranh kiên cường, bất khuất bảo vệ độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Là công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc với những thông tin được cung cấp đầy đủ và chính xác, hy vọng bộ sách tổng quan Vùng đất Nam Bộ – Quá trình hình thành và phát triển sẽ đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu lịch sử vùng đất Nam Bộ của đông đảo bạn đọc và phần nào cung cấp tư liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước.

[1] Bộ sách về vùng đất Nam Bộ gồm bộ tổng quan, rút gọn: Vùng đất Nam Bộ – Quá trình hình thành và phát triển, 2 tập và một bộ chuyên khảo sâu gồm 10 tập: Vùng đất Nam Bộ, tập I: Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái do TS. Trương Thị Kim Chuyên làm chủ biên; Vùng đất Nam Bộ, tập II: Từ cội nguồn đến thế kỷ VI do GS. TSKH. Vũ Minh Giang làm chủ biên; Vùng đất Nam Bộ, tập III: Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI do GS. TS. Nguyễn Văn Kim làm chủ biên; Vùng đất Nam Bộ, tập IV: Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX do GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên; Vùng đất Nam Bộ, tập V: Từ năm 1859 đến năm 1945 do PGS. TS. Đoàn Minh Huấn – PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà đồng chủ biên; Vùng đất Nam Bộ, tập VI: Từ năm 1945 đến năm 2010 do PGS. TS. Trần Đức Cường làm chủ biên; Vùng đất Nam Bộ, tập VII: Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa do GS. TS. Ngô Văn Lệ làm chủ biên; Vùng đất Nam Bộ, tập VIII: Thiết chế quản lý xã hội do, PGS. TS. Vũ Văn Quân làm chủ biên; Vùng đất Nam Bộ, tập IX: Tộc người và quan hệ tộc người do TS. Võ Công Nguyện làm chủ biên; Vùng đất Nam Bộ, tập X: Tiến trình hội nhập khu vực và thế giới do PGS. TS. Võ Văn Sen làm chủ biên.