Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – Ấn phẩm đầu tiên của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra đời trong hoàn cảnh điều kiện hoạt động buổi đầu còn rất hạn chế, kinh nghiệm chưa có nhiều, lại ở trong một hoàn cảnh chính trị phức tạp, nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, ngay trong năm đầu hoạt động (1945 – 1946), Nhà xuất bản Sự thật đã xuất bản được 34 đầu sách, với số lượng phát hành đạt khoảng 5.000 – 10.000 bản mỗi đầu sách. Cuốn sách Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ghi dấu ấn đầu tiên của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, góp phần đắc lực trên mặt trận đấu tranh tư tưởng của Đảng ta.

Nhà xuất bản Sự thật ra đời ngày 5-12-1945, trong hoàn cảnh cách mạng Việt Nam ở vào một thời điểm rất vinh quang, nhưng cũng cực kỳ phức tạp. Trải qua hơn 80 năm đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh, trực tiếp là 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành được độc lập, tự do, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á. Đảng ta từ một đảng hoạt động không hợp pháp, bị thực dân, đế quốc đặt ra ngoài vòng pháp luật, đã trở thành một đảng cầm quyền. Song, vừa mới ra đời, nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cách mạng Việt Nam đứng trước những thử thách cực kỳ nghiêm trọng.

Do hậu quả của hơn 80 năm thống trị của thực dân Pháp, hơn 90% dân số nước ta mù chữ, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, lực lượng vũ trang – công cụ chủ yếu để bảo vệ nền độc lập vừa giành được còn non trẻ… ở phía bắc vĩ tuyến 16, quân Tưởng Giới Thạch lấy danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, kéo theo một lũ Việt gian bán nước tiến vào hòng tiêu diệt Đảng ta, xóa bỏ chính quyền cách mạng, lập chính quyền bù nhìn của chúng. ở phía nam, núp bóng quân Anh, quân đội Pháp đã lén lút trở lại xâm lược nước ta. Nhân dân Nam Bộ vừa hưởng tự do, độc lập chưa đầy một tháng đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc do chúng gây ra.

Khí thế cách mạng của nhân dân ta đang dâng lên rất cao, nhưng lực lượng vật chất của cách mạng còn yếu. Vận dụng sách lược mềm dẻo, ngày 11-11-1945, Đảng ta tuyên bố “tự giải tán”, thực chất là rút vào hoạt động bí mật, duy trì dưới hình thức công khai là “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”. Báo Cờ giải phóng và Nhà xuất bản Cờ giải phóng – các cơ quan ngôn luận của Đảng tuyên bố “đình bản” và “đóng cửa”. Báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật – các cơ quan của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương ra đời để kế tục sự nghiệp của các tổ chức tiền thân của mình. Trên báo Sự thật số đầu tiên ra ngày 5-12-1945, Nhà xuất bản Cờ giải phóng thông báo: “Vì báo Cờ giải phóng đình bản nên Nhà xuất bản Cờ giải phóng cũng tự ý đóng cửa. Những sách đã in ra, chúng tôi giao toàn quyền cho Nhà xuất bản Sự thật phát hành”.

Tình hình chính trị trong nước lúc này rất sôi động, căng thẳng và phức tạp, đặc biệt là ở Hà Nội – Thủ đô và là trung tâm chính trị của cả nước. Tại đây, bọn “Việt quốc”, “Việt cách”, tay sai của Tưởng Giới Thạch ra nhiều tờ báo nhằm khiêu khích, vu cáo những người cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Đông Dương. Chúng tiến hành các hoạt động mua chuộc và khủng bố bằng tiền và vũ khí của Tưởng Giới Thạch, núp sau danh nghĩa một phái đối lập trong chính quyền. Bên cạnh các báo và một số nhà xuất bản tư nhân sẵn có từ thời Pháp, Nhật vẫn tiếp tục hoạt động, xuất hiện thêm một số nhà xuất bản mới, đặc biệt là Nhà xuất bản Tân thế kỷ của bọn tờrốtkít. Trước cách mạng, bọn này đã hoạt động bằng tiền của mật thám Pháp trong Nhà xuất bản Hàn Thuyên, sau cách mạng chúng đầu cơ lòng ngưỡng mộ của nhân dân ta đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, xuất bản sách nói về chủ nghĩa Mác – Lênin, về Liên Xô vĩ đại, nhưng để xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, vu cáo Liên Xô bằng chủ nghĩa duy vật tầm thường và giọng lưỡi giả mạo “cách mạng”, quá khích. Sau Hiệp định sơ bộ (ngày 6-3-1946), thực dân Pháp bắt đầu ra báo tiếng Pháp ở Hà Nội hòng lôi kéo quần chúng chống lại Nhà nước ta.

Trong bầu không khí chính trị đó, Nhà xuất bản Sự thật ra đời với tư cách là một cơ quan chính trị và lý luận của Đảng, có nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ tới đông đảo cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân yêu nước trong xã hội; chống lại các tư tưởng thù địch; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân xung quanh Đảng để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Nhà xuất bản hoạt động dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư Đảng ta lúc đó.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – dấu ấn đầu tiên của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Sang đầu năm 1946, Nhà xuất bản được giao cho Ban Tuyên truyền phụ trách, trực tiếp là đồng chí Lê Văn Lương. Lúc này, Nhà xuất bản chưa có tổ chức biên chế riêng, các cán bộ làm công tác tuyên truyền của Đảng vừa làm sách, vừa làm báo. Cơ sở vật chất buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta chỉ mới có một nhà in nhỏ là Nhà in Xây dựng đặt ở phố Bạch Mai, nên sách của Đảng phần lớn in tại các nhà in tư, thường là Nhà in Lê Văn Tân ở số 112 phố Hàng Bông (sau này là Nhà máy in Thống nhất). Sang năm 1946, Ban Kinh tế – Tài chính của Đảng mua Nhà in báo Trung Bắc Tân Văn để in sách, báo của Đảng. Việc phát hành sách báo lúc đó vẫn phải dựa vào những hiệu sách tư nhân. Cơ quan phát hành lúc đầu của Nhà xuất bản Sự thật đặt tại số nhà 65 phố Hàng Đào, về sau chuyển cho cơ quan phát hành của báo Cứu quốc đã có cơ sở ở khắp các tỉnh.

Từ giữa năm 1946, Nhà xuất bản chính thức đặt trụ sở của mình tại số nhà 24 phố Phan Chu Trinh cũ (tức phố Nguyễn Thái Học ngày nay, đây cũng là trụ sở của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương). Nơi ở và làm việc của cán bộ lúc đó không cố định, lúc thì ở phố Hàng Bồ, lúc thì ở phố Hàng Ngang, lúc thì ở phố Lý Thái Tổ. Cán bộ làm công tác xuất bản lúc đó phải làm tất cả mọi việc, từ dịch, biên tập bản thảo đến mua giấy, thuê nhà in…

Tuy điều kiện hoạt động trong buổi đầu còn rất hạn chế, kinh nghiệm chưa có nhiều, lại ở trong một hoàn cảnh chính trị phức tạp, nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, ngay trong năm đầu hoạt động (1945 – 1946), Nhà xuất bản Sự thật đã xuất bản được 34 đầu sách, với số lượng phát hành đạt khoảng 5.000 – 10.000 bản mỗi đầu sách.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – Ấn phẩm đầu tiên của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Cuốn sách đầu tiên của Nhà xuất bản Sự thật là tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C. Mác và Ph. Ăngghen, được dịch từ tiếng Pháp. Tiếp đó là việc tái bản cuốnChủ nghĩa Các Mác của Hải Triều viết từ thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939) và xuất bản các cuốn: Đảng Cộng sản Tầu và chiến tranh cách mạng của Trần Huy Liệu; Loài người trước chủ nghĩa tư bản của Sơn Tùng; Kinh nghiệm về cao trào kháng Nhật cứu nước ở Việt Nam của Quyết Chiến; Chương trình và Điều lệ Quốc tế Cộng sản (Sơn Tùng và Cương Trực dịch); Chính sách ngoại giao của Liên Xô của Ghécnăng Gờrơniê (Dũng Tiến và Hồng Việt dịch); Liên Xô có phải là nước dân chủ không của Rôđonphơ áctô (Gió Biển dịch, Minh Phương duyệt); Lịch sử châu Âu hiện đại (Dương Vinh Quốc, Đặng Thai Mai và Như Quỳnh dịch)…

Cuối năm 1946, Nhà xuất bản ấn hành cuốn Cách mạng Tháng Tám của đồng chí Trường Chinh, đây là cuốn sách đầu tiên tổng kết những bài học kinh nghiệm quý báu của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Những cuốn sách đầu tiên của Nhà xuất bản đã góp phần đắc lực trên mặt trận đấu tranh tư tưởng của Đảng ta. Nhìn chung, nội dung sách thời kỳ này hướng vào những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và xác định tư tưởng, chuẩn bị từng bước cho cuộc kháng chiến trường kỳ sắp đến. Về mặt thế giới quan, sách của Nhà xuất bản Sự thật truyền bá rộng rãi chủ nghĩa Mác – Lênin, những quan điểm duy vật về lịch sử xã hội, những nhận thức đúng đắn về cách mạng thế giới, đề cao tấm gương của đất nước Xôviết. Nhờ đó, cùng với các “binh chủng” khác trên mặt trận tư tưởng, các cuốn sách của Nhà xuất bản Sự thật góp phần xác lập những tư tưởng và quan điểm Mác – Lênin một cách chính thức trong xã hội ta, làm chuyển biến tư tưởng của quần chúng cách mạng từ chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm dân tộc sang chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội khoa học. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, tư tưởng Mác – Lênin được phổ biến công khai như một tư tưởng chính thống và đã dần dần thâm nhập vào quần chúng. Đặc biệt, các tầng lớp thanh niên ít nhiều có kiến thức đã say sưa học tập, nghiên cứu nội dung sách của Nhà xuất bản, sử dụng những sách đó vào công tác giáo dục, huấn luyện, tuyên truyền sâu rộng đường lối, chính sách, quan điểm, tư tưởng cách mạng của Đảng trong quần chúng nhân dân, từ trong cán bộ, đảng viên của Đảng cho đến đông đảo hội viên, đoàn viên các đoàn thể công, nông, thanh niên, phụ nữ, phụ lão… Quần chúng cách mạng được tiếp xúc với sách báo mácxít đã bước đầu tìm hiểu những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, nắm được những quan điểm cách mạng của Đảng, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, phân biệt được chủ nghĩa yêu nước chân chính với những lời lẽ cách mạng giả hiệu, nâng chủ nghĩa yêu nước lên lập trường yêu nước của giai cấp công nhân.

(Bài viết Trích trong cuốn sách Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật – 70 năm xây dựng và phát triển (1945-2015)