Quá trình phát triển kinh tế – xã hội Thành phố Hồ Chí Minh từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đã trải qua một chặng đường dài với những thành quả rất quan trọng, trở thành thành phố năng động và phát triển nhất cả nước. Kinh tế Thành phố đang chuyển dần từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, từ chỗ tận dụng nguồn lao động giá rẻ ở Thành phố và trong khu vực, nguồn vốn đầu tư nước ngoài…, chuyển dần sang sử dụng công nghệ ngày càng cao, hàm lượng tri thức trong sản phẩm ngày càng tăng lên, quá trình sản xuất hướng đến việc sử dụng hiệu quả vốn và các nguồn lực đầu vào khác.
Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng kinh tế ngày nay phải hướng đến sự phát triển bền vững, hài hòa với các lĩnh vực xã hội khác. Nguồn lực đầu vào của nền kinh tế cũng mở rộng, không chỉ còn đơn thuần là các yếu tố truyền thống như lao động, vốn, nguyên liệu… mà chúng ta đang hướng tới là nền kinh tế tri thức. Nền kinh tế đó gắn liền với sự phát triển về mọi mặt của xã hội. Các yếu tố mà nền kinh tế đó hướng tới phục vụ, là điều kiện để xây dựng, đồng thời cũng là yếu tố tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, thậm chí có yếu tố trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Trước thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Đào Tuấn Hậu hiện đang công tác tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện công trình nghiên cứu Vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới. Công trình đi sâu nghiên cứu văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu cũng như động lực của phát triển kinh tế – xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Mặc dù đã rất cố gắng trong quá trình nghiên cứu, biên soạn và xuất bản nhưng cuốn sách khó tránh khỏi những sơ sót nhất định. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn chỉnh hơn trong những lần xuất bản sau.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.