Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quản trị nhà nước

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) có tác động mạnh mẽ và toàn diện đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước bối cảnh đó, việc tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước là hết sức cần thiết, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Để giúp bạn đọc, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, đồng thời nâng cao hiệu quả của nền hành chính nhà nước nói riêng và hoạt động quản trị nhà nước nói chung trước tác động của cuộc cách mạng này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) và Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho ra mắt cuốn sách Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quản trị nhà nước (Proceedings of International Conference: The Fourth Indstrial Revolution and state Governance).

Nội dung cuốn sách được hình thành trên cơ sở tập hợp hơn 70 bài tham luận của của các học giả, các nhà quản lý đến từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; các cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại thành phố Hà Nội, cùng các cán bộ, giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Hội thảo khoa học quốc tế Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quản trị nhà nước. Bằng cách tiếp cận đa chiều, các bài tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đánh giá những tác động to lớn của cuộc cách mạng lần thứ tư trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều mức độ khác nhau, nhấn mạnh những thách thức đang đặt ra, đồng thời đề xuất các giải pháp để khắc phục những thách thức đó, từng bước tận dụng cơ hội mà cuộc CMCN này mang lại. Với nội dung đó, cuốn sách được chia làm 3 phần:

Phần thứ nhất: Tư duy khoa học hệ thống trong quản trị nhà nước và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Phần thứ hai: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quản trị nhà nước;

Phần thứ ba: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng và phát triển bền vững.

Trong Phần thứ nhất của cuốn sách, các tác giả đã lần lượt làm rõ vấn đề tư duy khoa học hệ thống trong quản trị nhà nước và cuộc CMCN lần thứ tư. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đã làm rõ vấn đề quan trọng đó là Quản trị quốc gia trong một thế giới công nghệ đang thay đổi không ngừng. Tác giả nhận định: Cuộc CMCN lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản cách thức vận hành thế giới, từ mô hình tổ chức nền kinh tế – xã hội cho tới phương thức điều hành và quản trị quốc gia. Những tiến bộ vượt bậc của khoa học – kỹ thuật, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong mọi lĩnh vực của đời sống đã và đang tạo ra một thế giới “thông minh” kết nối thực – ảo với mức độ phủ sóng công nghệ lớn và rộng nhất từ trước đến nay. Đây là cơ hội để các quốc gia xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị điện tử bằng việc nâng cấp nền tảng công nghệ và từng bước thiết lập các yếu tố của chính phủ điện tử, xã hội điện tử và nền dân chủ điện tử, đồng thời hướng tới những phiên bản cao hơn của các mô hình này. Cũng theo tác giả, việc thiết lập một nền quản trị tốt với các đặc điểm cơ bản như: bảo đảm sự tham gia của người dân, hệ thống luật pháp, xét xử công bằng, minh bạch… không chỉ là phương tiện mà còn là mục tiêu hướng tới của sự phát triển. Trên thực tế, những nỗ lực thiết lập một nền quản trị tốt vẫn gặp nhiều rào cản, trong đó có sự hạn chế về khả năng công nghệ. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông đã khắc phục được những rào cản đó, mở ra cơ hội cải thiện chất lượng quản trị quốc gia.

Bài viết Khoa học tư duy hệ thống với công tác lãnh đạo và quản lý trước sự biến đổi vĩ đại của thế kỷ XXI và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành khẳng định, việc áp dụng tư duy hệ thống vào quá trình lãnh đạo, quản lý để nhận thức rõ cuộc CMCN lần thứ tư, bức tranh của từng quốc gia trong bối cảnh hiện tại theo nhiều góc độ, và từ đó việc đưa ra những cơ chế, chính sách, quyết định thúc đẩy sự phát triển với tầm nhìn xa rộng, bền vững là hết sức quan trọng. Tác giả cũng đề cập đến tác động của CMCN 4.0 liên quan tới hoạt động của tội phạm mạng, các chỉ số an ninh – an sinh, an toàn, nhất là vấn đề an toàn thông tin trong quản lý Internet. Từ đó đưa ra một số kiến nghị cần thiết, trong đó lãnh đạo và quản lý trong thời đại CMCN 4.0 cần xây dựng tầm nhìn chiến lược, tư duy hệ thống, cần hành động ngay để thích ứng.

Trong Phần thứ hai, các bài tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ hơn vấn đề về cuộc CMCN lần thứ tư với quản trị nhà nước hiện nay, đặc biệt là những cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng này đặt ra. Trong bài viết Quản trị nhà nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – thách thức và giải pháp, PGS.TS. Triệu Văn Cường cho rằng, những tiến bộ công nghệ vượt bậc của cuộc CMCN đã tạo ra những thay đổi chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đòi hỏi mỗi quốc gia phải tư duy lại con đường và động lực phát triển của mình. Trong đó, quốc gia nào nắm bắt được những cơ hội, vượt qua thách thức sẽ phát triển và ngược lại. Cụ thể, tác giả đã chỉ ra một số thách thức của cuộc CMCN lần thứ tư mà mỗi quốc gia cần phải giải quyết, đó là: Thứ nhất, cuộc CMCN lần thứ tư đem đến những thay đổi chưa từng có về sản xuất, về phát triển kinh tế – xã hội. Các đối tượng quản trị nhà nước mới xuất hiện và có những đối tượng quản trị nhà nước cũng có những thay đổi, đòi hỏi nhà nước cần có cách tiếp cận mới và phương thức quản trị mới. Thứ hai, với nền tảng trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối đòi hỏi quản trị nhà nước phải tăng cường sự phối hợp, sự kết nối. Thứ ba, cuộc CMCN lần thứ tư làm phát sinh những vấn đề mới và làm thay đổi bản chất của những vấn đề cũ, đòi hỏi quản trị nhà nước phải nâng tầm để thực hiện chức năng quản trị. Thứ tư, quản trị nhà nước phải thực sự là động lực cho sáng tạo, là chủ thể sáng tạo, kết nối và phát huy sự sáng tạo. Thách thức cuối cùng mà tác giả nói đến là năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay. Quản trị nhà nước không thể là quá trình quản trị sáng tạo nếu những cán bộ, công chức, chủ thể quản lý không phải là những chủ thể sáng tạo, năng động, có tầm nhìn, biết tận dụng ra cơ hội và lường trước thách thức khi tham gia vào quá trình quản trị nhà nước.

Trên cơ sở trình bày các thách thức, một số bài viết đề cập đến những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ tư như: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quản trị điện tử trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Cơ hội và thách thức cho Việt Nam; Một số vấn đề đặt ra trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Theo đó, nhà nước cần phải thiết lập được thể chế thúc đẩy sự sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội; thiết lập được nhận thức chung về những thời cơ và thách thức của cuộc CMCN lần thứ tư đối với sự phát triển của quốc gia; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, những chủ thể của quản trị quốc gia; tăng cường sự kết nối và tiếng nói của tổ chức, công chức…

Trong Phần thứ ba của cuốn sách, các bài viết cũng tập trung làm rõ sự tác động của cuộc CMCN lần thứ tư đối với vấn đề việc làm và an sinh xã hội, ngân hàng – tài chính, khoa học – công nghệ…Cụ thể, trong bài viết Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới nguồn nhân lực khối cơ quan hành chính ở Việt Nam, ThS. Ngô Hà Trường Sơn đã trình bày chi tiết tác động của cuộc cách mạng này đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo mà cụ thể là lĩnh vực nguồn nhân lực khối cơ quan hành chính. Dưới tác động như vũ bão của công nghệ thông tin thì nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khối cơ quan hành chính nhà nước nói riêng sẽ bị giảm đi. Cùng với đó, cách thức quản lý nhân sự trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng có sự thay đổi nhất định do thay đổi môi trường làm việc. Sự thay đổi môi trường làm việc, thời gian làm việc và cách thức làm việc sẽ mang lại những tác động đến cách thức đánh giá nguồn nhân lực…

PGS.TS. Phạm Thị Tuệ và ThS. Vũ Thị Ngọc Bích nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Những ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang phát triển đã chỉ ra những tác động của CMCN lần thứ tư đối với lĩnh vực kinh tế và doanh nghiệp, cụ thể là đến tiêu dùng sản xuất và giá cả.

TS. Đặng Hoài Lê và ThS. Khoa Anh Thắng nghiên cứu về Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã phân tích, đánh giá tổng quan về tác động của cuộc CMCN lần thứ tư đến các yếu tố chủ yếu hình thành, chi phối đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam như tác động đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Bằng chứng là cuộc CMCN lần thứ tư đã tác động đến tương quan sức mạnh toàn cầu về kinh tế trong hội nhập quốc tế, làm thay đổi tư duy và tổ chức lại các chuỗi sản xuất giá trị… Ngoài ra, cuộc CMCN lần thứ tư còn tạo cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Tóm lại, cuốn sách đã bàn tới vấn đề có ý nghĩa vô cùng cấp bách về các cách tiếp cận, phương pháp và công cụ mới nhằm nâng cao hiệu quả của nền hành chính nhà nước nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước nói chung trước tác động của cuộc cách mạng 4.0.