Sách hay về Sài Gòn – TPHCM

Cùng với hàng trăm tác phẩm viết về chiến tranh, về ngày 30-4 lịch sử, hiện các đơn vị làm sách cũng không quên mảng sách về lịch sử văn hóa, con người Sài Gòn – TPHCM, trải dài từ những ngày đầu thành lập vùng đất phương Nam cho đến tận ngày nay…

Chùm sách xuất bản dịp 30-4

Từ Sài Gòn đến TPHCM qua kiến trúc

Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành lập vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn, TPHCM sau này, chính quyền thành phố đã hợp tác với Cộng đồng đô thị Lyon và Tổng lãnh sự quán Pháp thực hiện cuốn sách Saigon – ba thế kỷ phát triển và xây dựng. 17 năm sau lần xuất bản đầu tiên, vào những ngày cuối tháng 4-2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạp chí Xưa và Nay kết hợp cùng Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA tái bản lại tác phẩm trên với nhiều cải tiến cả về hình thức lẫn nội dung, sách được in bằng ba ngôn ngữ Việt – Anh – Pháp.

Saigon – ba thế kỷ phát triển và xây dựng là một tác phẩm về lịch sử kiến trúc của một vùng địa lý cụ thể, chia làm 4 mục chính gồm: Giai đoạn kiến trúc nguyên thủy đến năm 1859; giai đoạn kiến trúc chịu ảnh hưởng của người Pháp; giai đoạn từ 1945 đến sau 1975; phần nhận xét của nhà Nam bộ học Sơn Nam về những di sản của Sài Gòn – TPHCM theo dấu thời gian. Tác phẩm đưa bạn đọc đến với 63 địa điểm kiến trúc quan trọng của thành phố. Đó là những công trình kiến trúc chính trị như trụ sở UBND TP, Kho bạc Nhà nước, Tòa án, Bưu điện; mang tính tôn giáo như chùa Phước Hải của người Minh Hương, chùa Phước Kiến của người Hoa kiều gốc Phước Kiến, đền Chandaransay của người Khmer, nhà thờ Đức Bà của cộng đồng Cơ đốc giáo… 

Cuốn sách là thành quả nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành của Việt Nam và Pháp, như: sử gia Stephane Dovert, nhà nhân chủng học Natasha Paiaudeau, sử gia Philippe Peycam, nhà sử học nghệ thuật Laure Bonduelle, nhiếp ảnh gia Daniel Hung, TS kiến trúc Lê Quang Ninh, các KTS Nguyễn Minh Tiến, Võ Tứ Quý, nhà đô thị học Chu Quang Tôn của Viện quy hoạch Grand Lyon, Pháp. Các tác giả bằng việc kết hợp giữa các tài liệu lịch sử với hình ảnh thực tế đã đưa người đọc đến với một nét đặc trưng không chỉ về mặt mỹ thuật mà còn  phản ánh cả sự đa dạng về văn hóa của vùng đất. Từ đó góp phần tạo nên những tính chất rất riêng, hòa nhập, kết dính thành một chủ thể văn hóa của người Sài Gòn – TPHCM ngày nay.

Từ Sài Gòn đến TPHCM qua đấu tranh

Cũng là một tác phẩm tái bản, cuốn sách Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến (1945-1975) do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản tháng 4-2015 phản ánh vùng đất qua những thăng trầm trong cuộc đấu tranh chống lại các thế lực xâm lược. Do hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa lý chi phối, Sài Gòn là nơi đặc biệt nhạy cảm với mọi diễn biến chung của thời cuộc và mỗi biến động của nó đều có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình toàn miền Nam, ra cả nước và ở một chừng mực nào đó, ra thế giới. Cuộc đấu tranh chống xâm lược ở Sài Gòn vì vậy diễn ra hết sức quyết liệt và phức tạp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và thu hút sự tham gia không chỉ toàn thể quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định mà còn có lực lượng của toàn miền, của cả nước. “Cả nước chiến đấu vì Sài Gòn và Sài Gòn chiến đấu vì cả nước, cùng cả nước” là bản anh hùng ca tuyệt đẹp về truyền thống đoàn kết keo sơn gắn bó, về sức mạnh của nhân dân ta.

Tác phẩm là công trình do Ban Tổng kết chiến tranh, Thành ủy TPHCM tổ chức biên soạn. Trong cuốn sách này, các tác giả đã cố gắng phản ánh một cách có hệ thống và toàn diện cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, khắc họa những yếu tố truyền thống dẫn tới thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược vừa qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TPHCM hôm nay

Dịp này, rất nhiều tác phẩm viết về Sài Gòn – TPHCM đã ra mắt, trong đó có không ít là của các cây bút trẻ. Đi đâu cũng nhớ về Sài Gòn và… Em của Anh Khang là một trong số đó. Nhắc đến Anh Khang là nhắc đến một tác giả trẻ được chú ý nhiều thời gian qua khi liên tục lập các kỷ lục về bán sách. Như chính Anh Khang xác nhận, tác phẩm thứ tư này là một món quà đặc biệt mà cây bút trẻ này dành tặng thành phố thân yêu, nơi đã mang đến thành công cho anh. Cũng vì thế, tác phẩm này hoàn toàn khác biệt với 3 cuốn sách trước đó của Khang. Không còn là chuyện thất tình, chia ly hay những rung cảm lứa đôi của tuổi mới lớn… Chỉ còn lại là tình yêu, nhưng không phải với một con người cụ thể mà với một địa danh, một nơi chốn.

Được thể hiện dưới dạng tùy bút, du ký, cuốn sách phản ánh sự năng động của giới trẻ, mơ mộng và bay bổng, thích đi đây đó, khám phá những điều mới lạ. Và chỉ đến khi đó, họ mới dần hiểu ra chính vùng đất mà mình rời đi mới là một nơi chốn để tìm về. Bạn đọc có thể cảm nhận rõ ràng nhất hành trình trên qua 3 chương của tác phẩm gồm: Tim mỗi người là quê nhà nhỏ, Ai qua bao chốn xa và Thấy vui đâu cho bằng mái nhà…

TƯỜNG VY

– See more at: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/sachvacuocsong/2015/4/382235/#sthash.ujdXkqTv.dpuf