PHỤ NỮ VIỆT NAM VÀ NHỮNG MỐC SON ĐÁNG NHỚ

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt chiều dài lịch sử 91 năm (20/10/1930 – 20/10/2021), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị – xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và ngày càng đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp nên sớm đã trở thành lực lượng lao động chính.

Bên cạnh đó, nước ta luôn luôn bị kẻ thù xâm lược, đàn áp mọi mặt. Trước thực tế ấy, người phụ nữ Việt Nam trở nên rắn rỏi hơn và phát triển những nét đẹp rất riêng của mình. Từ những lí do trên mà trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ luôn đóng một vai trò quan trọng, là lực lượng gan dạ, kiên trung và luôn sẵn sàng hi sinh vì lợi ích dân tộc. Đồng thời, họ còn là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng tiếp nối truyền thống vẻ vang của đất nước.

Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai.

Từ năm 1927, những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ Việt Nam như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ.

Năm 1927, nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ.

Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.

Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.

Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã.

Ngày 01/5/1930, chị  Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.

Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ Việt Nam là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ.

Đảng đặt ra mục tiêu, phụ nữ Việt Nam phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Chính vì vậy mà ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ và những dấu son đầu đáng nhớ

Hội đã theo sát tiến trình giải phóng dân tộc, thông qua từng giai đoạn mà có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp chung của đất nước.

Giai đoạn 1930 – 1936, hoạt động của phong trào phụ nữ thời kỳ này có nhiều phương thức tổ chức thích hợp với chủ trương hoạt động bí mật của Đảng như Hội cấy, Hội gặt, Hội tương tế… Hình thức hoạt động này đã tập hợp được số đông phụ nữ tham gia và góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức đối với phụ nữ. Tổ chức “Phụ nữ Giải phóng” được hình thành năm 1930 – 1931 đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng (điển hình là Xô viết Nghệ Tĩnh). Tổ chức đã tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, đòi cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc phong kiến.

Từ 1936 – 1939, trước yêu cầu của cách mạng, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 8/1937 về công tác vận động phụ nữ đặt ra nhiệm vụ chống phát xít, chống chiến tranh bằng hình thức công khai, hợp pháp. Vì vậy, tổ chức cách mạng của phụ nữ được đổi thành Hội phụ nữ Dân chủ. Hội đã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, nam nữ bình đẳng và tổ chức các hoạt động gắn với tính chất ngành nghề của phụ nữ để đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ như: hội Ái hữu, hội Truyền bá quốc ngữ. Trong đấu tranh, phụ nữ công nhân các nhà máy đông nữ như Dệt Nam Định, Tơ Hải Phòng, Mỏ Quảng Ninh, Diêm Bến Thủy, Thuốc lá Sài Gòn, Gấm Thủ Dầu Một… đã nêu những tấm gương bền bỉ, kiên cường.

Giai đoạn 1939 – 1941, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng chủ trương: “Vận động phụ nữ tổ chức các hội phụ nữ phản chiến, các hội cứu tế, bảo an… để giúp đỡ nhau, chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình”. Để phù hợp với tình hình, Hội lấy tên là Hội phụ nữ Phản đế. Hội đã vận động chị em tham gia mít tinh, biểu tình, lập các hội cứu tế, bảo an, tham gia chống bắt lính với khẩu hiệu chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình, đòi bồi thường chiến tranh. Phụ nữ thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng ngày càng đông đảo, góp phần xây dựng lực lượng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đọan, các tầng lớp phụ nữ được tập hợp trong tổ chức “Hội phụ nữ phản đế”, thành viên của Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương (năm 1939), và “Đoàn phụ nữ cứu quốc”, thành viên của Mặt trận Việt Minh (năm 1941) để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, tập hợp và xây lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Giai đoạn từ 1941-1945, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được thành lập ngày 16/6/1941. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

Để gấp rút chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, phụ nữ đã tích cực tham gia các phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, phá kho thóc giải quyết nạn đói… Hội phụ nữ vận động các hội viên bí mật xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Nhờ vậy, phong trào phụ nữ ngày càng lớn mạnh, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hệ thống của Đoàn Phụ nữ Cứu quốc có 4 cấp: Ban Chấp hành từ cơ sở đến huyện, tỉnh, xứ. Cuối năm 1941 đồng chí Hoàng Ngân được giao nhiệm vụ Bí thư Phụ vận xứ Bắc Bộ.

Ngày 03/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức nòng cốt, hoạt động trong khuôn khổ là một tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Phụ nữ Việt Nam luôn giữ một vai trò trọng yếu trong những sự kiện của dân tộc (Ảnh: Tư liệu)

Phụ nữ Việt Nam chung tay xây dựng đất nước vững chắc, giàu mạnh

Ngày nay, vai trò của người phụ nữ đang dần mở rộng, là một thành tố cực kì quan trọng đối gia đình, cộng đồng và xã hội. Họ đã thầm lặng hy sinh, cống hiến cho đất nước và việc vinh danh những con người ấy là điều cần phải có.

Chính vì thế, ngày 15/10/2021 vừa qua, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 91 năm thành lập; trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 theo hình thức trực tuyến. Tại đây Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho rằng, những người phụ nữ được vinh dự đón nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 là minh chứng về sự phát triển không ngừng qua 91 năm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – một tổ chức chính trị – xã hội lớn mạnh, rộng khắp, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Không chỉ vậy, tạp chí Forbes đã vinh danh 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất Việt Nam (2019), điều đáng nói là những cái tên này đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, kinh doanh, khoa học giáo dục, hoạt động xã hội, truyền thông, nghệ thuật, sáng tạo và thể thao. Có thể thấy, phụ nữ Việt Nam đang dần phá vỡ mọi rào cản về định kiến, sẵn sàng xắn tay vào những việc lớn lẫn việc nhỏ vun vén cho cả xã hội và tổ ấm.

Tổng hợp