Những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta

Công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời Lý (thế kỷ XI) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX) trải qua những bước thăng trầm thịnh suy, yếu mạnh khác nhau, tuy nhiên thế kỷ nào, triều đại nào cũng có những thành tựu cùng chiến công hiển hách. Điều đó phần lớn phụ thuộc vào đường lối trị nước của các bậc vua chúa, đội ngũ quan lại đưa ra được các kế sách phù hợp với mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc. Vậy những kế sách đó được thể hiện ra sao? Với những nội dung gì? Ra đời trong bối cảnh nào? … Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về các kế sách xưa của cha ông ta, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt cuốn sách Những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta của tác giả Bùi Xuân Đính.

Cuốn sách tập hợp hơn 60 tờ sớ, tờ khải, lời tâu, bản điều trần, có khi chỉ là những lời can ngăn vua chúa của các quan lại ở những vị trí quan trường khác nhau, từ thời Trần đến những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, khi đất nước ta đã rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp. Phần lớn các kế sách là của từng cá nhân, song không ít kế sách là những điều trăn trở, suy ngẫm, đồng thuận của nhiều vị quan. Có những vị quan là đại thần trọng trách, từng nổi tiếng trong sử sách, trên văn đàn; có cả những người chỉ là quan nhỏ, ít tuổi. Nhưng họ đều có một điểm chung là những người hết lòng vì dân, vì nước, luôn trăn trở về đời sống, vận mệnh của đất nước. Đây cũng chính là điều đặc biệt của cuốn sách, bởi tác giả không thiên về giới thiệu các bản đề nghị cải cách về nhiều mặt đời sống nước nhà của nhiều vị quan từng nổi tiếng trên vũ đài lịch sử Việt Nam, mà chú trọng phản ánh các kế sách của một bộ phận đông đảo các vị quan lại mà tên tuổi, sự nghiệp, tài năng chưa được nhiều người biết đến. Nhìn chung, các kế sách đề cập đến nhiều mặt của đời sống đất nước, có những mặt hệ trọng của đất nước, nhưng có kế sách chỉ bàn đến một mặt, hoặc những lĩnh vực rất nhỏ của đời sống, nhưng nội dung rất thiết thực và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Có kế sách được dâng lên khi vận nước đang thịnh; song không ít kế sách ra đời trong bối cảnh thế nước hay thế vương triều đang nguy. Rất nhiều kế sách được các bậc vua chúa chấp thuận, khen ngợi và cho thi hành, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực về nhiều mặt hay từng mặt được đề ra. Tuy nhiên, không ít kế sách bị các bậc vua chúa chối bỏ, người đưa ra kế sách còn bị giáng phạt, cách chức, thậm chí có người bị tước quan, đuổi về quê.

Với lòng say mê khoa học, kết hợp cùng việc nghiên cứu nhiều tư liệu lịch sử đáng tin cậy, tác giả đã tập hợp được khá nhiều kế sách, có những kế sách lần đầu tiên được giới thiệu, có những kế sách đã đi vào lịch sử và cho đến ngày nay vẫn còn giá trị. Ngoài việc tập trung trình bày nội dung của từng kế sách, mỗi câu chuyện về các kế sách được nêu tương đối đầy đủ bối cảnh ra đời, sơ lược tiểu sử người đề xuất, nội dung và kết quả thực thi, từ đó tác giả cũng đưa ra một vài nhận xét chủ quan về ý nghĩa của nó đối với xã hội đương thời và cả với xã hội chúng ta ngày nay. Đặc biệt, một số bản điều trần nội dung khá dài cũng đã được tác giả tóm lược lại, một số lời văn cổ đã được chỉnh lại cho phù hợp và dễ hiểu.

Mỗi kế sách được ra đời trong từng điều kiện lịch sử, bối cảnh khác nhau, nhưng đều mang một ý nghĩa và giá trị riêng, và dù nhiều hay ít các kế sách đó cũng đều từng là những trăn trở, ưu lo về vận mệnh đất nước, dân tộc ta trong những thời điểm nhất định, và có những kế sách cho đến ngày nay vẫn còn có giá trị và trở thành bài học lịch sử. Với ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhất định, cuốn sách Những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta sẽ là tài liệu quý cung cấp những tư liệu và những bài học lịch sử quý giá góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bạn đọc có thể tìm hiểu, nghiên cứu cuốn sách Những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta tại Thư viện quốc gia và thư viện các tỉnh, thành phố trong cả nước.