Nhà báo lão thành cách mạng Hữu Thọ (1932-2015), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương)… có gần 60 năm cầm bút và có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực báo chí. Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí ở nhiều thể loại, từ bình luận, tiểu phẩm, bút ký, đối thoại đến phê phán… phản ánh chân thực muôn mặt cuộc sống, thẳng thắn phản ánh những tiêu cực mang tính cảnh tỉnh xã hội, gây dấu ấn lớn với các thế hệ độc giả.
Trong số rất nhiều tác phẩm của “cây đại thụ” trong làng báo chí Việt Nam đương đại – Hữu Thọ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã vinh dự được tổ chức xuất bản 11 tác phẩm của ông, và các ấn phẩm đã được tái bản nhiều lần. Qua đó, cung cấp tài liệu tham khảo bổ ích và cần thiết, giúp sinh viên các khoa báo chí, phóng viên, nhà báo trẻ cũng như bạn đọc quan tâm muốn hiểu thêm về sự phát triển một thể loại báo chí có tính chiến đấu trên tinh thần đối thoại; giúp độc giả có thể hình dung các biểu hiện tiêu cực mới phức tạp và ngày càng tinh vi; đồng thời thấy được khả năng nắm bắt thực tiễn, “khơi” lên những vấn đề gai góc trong đời sống của một cây bút “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, đây cũng chính là yếu tố tác động nâng tầm các tác phẩm của ông về ý nghĩa xã hội, tạo thành một “bản năng gốc” tự nhiên mà dung dị của cây bút lão thành Hữu Thọ – một tinh thần dám nhìn thẳng với xã hội của người làm báo chuyên nghiệp.
Những ấn phẩm của nhà báo Hữu Thọ được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản nhiều lần
Trưởng thành từ một phóng viên “ba lô, chân đất”, từng đảm nhiệm các chức vụ và trọng trách quan trọng, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động báo chí và là cây bút chủ lực trên các diễn đàn đấu tranh chống tham nhũng. Ông đã hòa nhập vào xã hội, lắng nghe, quan sát, phát hiện, phản ánh thật nhanh nhạy những vấn đề xã hội nảy sinh hằng ngày trong đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, bằng kinh nghiệm của một nhà báo lão thành, ông đã chọn lọc và suy ngẫm, đúc kết những kinh nghiệm về nghiệp vụ báo chí, quản lý báo chí hay văn hóa của người làm báo. Trong một cuốn sách viết về nghề báo, Hữu Thọ từng chia sẻ, làm nghề đến một mức nào đó tất phải nghĩ việc truyền nghề. Đó là sự đúc kết của hơn 50 năm trăn trở với “nghề bút mực đầy gian khó”. Những bài học về nghề của ông được truyền đạt một cách giản dị như những lời tâm sự, song lại khúc chiết và chuẩn mực như một cuốn sách giáo khoa. Trong đó phải kể đến: Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc; Đèn xanh, đèn đỏ; Đối thoại; Tình bút mực; Chuyện nhà, chuyện nước… Đây là những ấn phẩm được ông viết, biên soạn và xuất bản từ năm 2004 đến năm 2014, là những thông tin chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp, nghiệp vụ đối với những người hoạt động trên lĩnh vực báo chí.
Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc là tên một cuốn sách của nhà báo Hữu Thọ được nhiều người yêu thích, dường như đã trở thành tiêu chí “chuẩn mực” của một người làm báo chân chính, ba yêu cầu cơ bản nhất của người cầm bút, đó là phải có cái nhìn đúng đắn, giữ được bản lĩnh, sự kiên trung, đạo đức và lương tâm, phải trung thực, có tinh thần đấu tranh và năng lực nghề nghiệp. Tuy mỗi bài viết đề cập những vấn đề khác nhau của nghề báo, nhưng đều là những lời nhắn gửi sâu sắc và tâm huyết của tác giả tới các nhà báo trẻ về bản lĩnh, đạo đức và lương tâm của người làm báo; là những trăn trở của ông về nghề báo trước những vấn đề của xã hội, những điều nhà báo cần phải vượt qua trong quá trình đi tìm chân lý; từ đó, đặt ra cho nhà báo những nghĩ suy và trách nhiệm trong thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay. Đó cũng là thông điệp mà cuốn sách Đèn xanh, đèn đỏ hướng tới. Thông qua Đèn xanh, đèn đỏ, nhà báo Hữu Thọ muốn gửi tới bạn đọc những chia sẻ, cảm nghĩ, kinh nghiệm của mình về nghề làm báo và công tác quản lý báo chí, rằng làm báo là một nghề rất vinh quang, cao quý nhưng cũng đầy cam go, thử thách, nhiều cám dỗ, hiểm nguy, dễ sa ngã, biến chất, đòi hỏi đội ngũ này phải rèn luyện bản lĩnh vững vàng, phải trau dồi tinh thông nghề nghiệp mới có thể làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình.
Một trong những cuốn sách rất hữu ích đối với những người làm báo là Đối thoại. Cuốn sách chọn lựa một số bài trả lời phỏng vấn và phát biểu tranh luận của nhà báo Hữu Thọ. Đối thoại không chỉ phản ánh nhiều vấn đề “nóng” của dư luận và xã hội, mà thông qua đó, Hữu Thọ khẳng định, nhà báo chỉ có thể đối thoại với xã hội bằng cách thông tin về những vấn đề thời sự “nóng” đang được xã hội quan tâm, trăn trở. Muốn đối thoại với công chúng báo chí, trước hết nhà báo phải biết nghe, biết nhìn, phát hiện, chọn lọc và phản ánh nhanh nhạy những vấn đề xã hội đang nảy sinh hằng ngày. Cũng với cuốn sách này, Hữu Thọ giới thiệu một số phong cách tác nghiệp của nhà báo khi tiến hành các cuộc phỏng vấn, trao đổi ý kiến với những người có trách nhiệm trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.
Nếu những tác phẩm trên là những suy ngẫm, đúc kết kinh nghiệm của một nhà báo mẫn tiệp trong cuộc đời hoạt động báo chí của mình, thì Tình bút mực là lời tri ân của ông đối với các bậc tiền bối – những người đã tiếp thêm sức mạnh và lòng nhiệt huyết cho sự nghiệp báo chí của ông; thể hiện tình cảm, nỗi nhớ của ông đối với những người bạn tri kỷ, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, những con người cùng chí hướng, chung vai, sát cánh trên con đường bảo vệ chân lý, bảo vệ sự nghiệp của dân tộc và của Đảng. Qua đây, ông cũng muốn lưu lại những tình cảm tốt đẹp mà bạn bè và đồng nghiệp đã dành cho ông, đó là nguồn động lực để ông cống hiến và trở thành cây bút chiến đấu đáng trân trọng trong làng báo chí nước ta.
Khác với những tác phẩm ở trên, Chuyện nhà, chuyện nước là tập tản văn, tiểu luận được viết theo lối “gặp đâu ghi đó”, “thấy gì bàn đó” với những nét chấm phá đa sắc của cuộc sống vào những năm đầu của thế kỷ XXI, khi xã hội chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những “yêu thương và tin tưởng”, những “hạnh phúc và sự hy sinh”, “công việc đầu tiên và trước hết”, “sống sâu sắc, say sưa”, hay “bữa cơm gia đình”…, mỗi câu chuyện lại hàm chứa những thông điệp cảm động đầy tính nhân văn, triết lý sâu sắc về lẽ sống, về nhân cách con người, cách làm người và mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người trong xã hội.
Trong thời kỳ đất nước bắt đầu bước vào đổi mới, Hữu Thọ là một trong những cây bút đi đầu ủng hộ khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Và từ đó về sau, ông luôn kiên trì cho quan điểm đổi mới đúng đắn, chỉ ra những vấn đề tiêu cực của kinh tế thị trường, đặc biệt là đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Có thể nói, mảng đề tài này chiếm một phần rất quan trọng trong các tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ. Dưới ngòi bút lão luyện, tài năng và tâm huyết của ông, những mặt trái, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội được phản ánh chân thực. Ô, dù, “lọng”; Chạy; Ghế; Xiếc; Nể và né; Quét cầu thang là những tựa sách thuộc mảng đề tài này.
Đọc các tác phẩm của ông, ta có thể nhận thấy, trước bất cứ một sự việc nào, dù to hay nhỏ cũng đều được ông mổ xẻ, và bao giờ cũng nhìn nhận qua nhiều lăng kính nên luôn thấu đáo, cặn kẽ. Giọng văn ông thủ thỉ như một lời tâm sự tạo cho người đọc cảm giác rất thân quen, gần gũi, thậm chí quên đi cảm giác đang đọc một cuốn sách. Mỗi câu chuyện, mỗi sự việc mà ông nhìn thấy, nghe thấy trong thực tế đều được ông khéo léo kể lại để người đọc tự tìm ra cho mình câu trả lời. Ông thường hay đặt ra những câu hỏi để rồi lại đồng hành cùng độc giả trên con đường đi tìm lời giải. Có đọc và ngẫm thì mới thấy rằng, những thông điệp mà ông gửi gắm không có chút máy móc, xúc xiểm, không quy chụp, cường điệu, cứng rắn mà lại mềm dẻo và cũng không dễ bỏ qua.
Với giọng văn mộc mạc, đơn giản, đôi khi rất đời thường pha đôi chút châm biếm sâu cay, các tác phẩm của ông dễ dàng đi vào lòng người đọc và những vấn đề được nhà báo Hữu Thọ đề cập trong các tác phẩm của mình cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng có hiệu quả và đi vào chiều sâu; song, đây là cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhận định.
Những cuốn sách của nhà báo Hữu Thọ, là một “tiếng nói” hết sức sâu sắc, thuyết phục góp phần cổ vũ, đẩy mạnh cuộc chiến đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của toàn Đảng, toàn dân ta; cung cấp thêm những kinh nghiệm quý báu trong tác nghiệp báo chí cho các nhà báo trẻ, các bạn sinh viên ngành báo chí và những ai quan tâm đến công tác báo chí, gửi tới những người làm báo thời nay thông điệp: “Nhà báo là một nghề cao cả, dù không có danh hiệu ưu tú hay nhân dân, nhưng chỉ cần một cái tin nhỏ trên báo cũng được ghi danh mình”. Và điều đó lại càng cho thấy trách nhiệm của báo chí là rất lớn.