Lựa chọn cuộc sống – Đối thoại cho thế kỷ XXI: Cuộc đối thoại “Vượt thời gian”

Thế kỷ XXI được cho là một thế kỷ sẽ có nhiều biến động, thách thức đối với toàn nhân loại. Tính đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã trải qua 17 năm trong thế kỷ XXI với nhiều thăng trầm, biến cố mà toàn thế giới đã, đang và sẽ cần tiếp tục chung tay để giải quyết, khắc phục để cùng phát triển trong tương lai. Nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện, đa chiều hơn về những vấn đề quan trọng, đang là mối quan tâm cấp thiết ở phạm vi xuyên quốc gia, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Lựa chọn cuộc sống – Đối thoại cho thế kỷ XXI của hai tác giả nổi tiếng Tiến sĩ Daisaku Ikeda – học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng ở Nhật Bản cũng như trên thế giới và Giáo sư ArnoldToynbee – sử gia hàng đầu của phương Tây thế kỷ XX. Cuốn sách thực sự là một “kho tàng” chứa nhiều nội dung, chủ đề lớn đã, đang và sẽ còn nóng hổi đối với nhân loại chừng nào sự sống còn tồn tại.

Lựa chọn cuộc sống – Đối thoại cho thế kỷ XXI được biên soạn dưới hình thức ghi chép lại nội dung từ cuộc nói chuyện trực tiếp của Giáo sư Arnold Toynbee và Tiến sĩ Daisaku Ikeda tại London trong vòng 10 ngày. Sau đó, ông Richard L.Gage đã biên tập và sắp xếp lại bằng nhiều kinh nghiệm, kỹ năng để truyền tải nội dung, quan điểm về nhiều chủ đề của hai tác giả. Mặc dù cuộc đối thoại của hai học giả diễn ra vào thập niên 1970, song các nội dung của cuộc đối thoại vẫn đang là mối quan tâm của nhân loại, thậm chí còn là những vấn đề sẽ tiếp tục được luận bàn trong tương lai. Giáo sư Arnold Toynbee trong Lời mở đầu của cuốn sách đã nhấn mạnh: “Những đề tài được luận giải trong cuốn sách này thật đa dạng. Một số là đề tài nóng hổi của thời đại đang được quan tâm, nhưng cũng có những đề tài trong số đó đã được tổ tiên chúng ta nghĩ từ ngàn xưa, và đến nay con người vẫn tiếp tục bàn luận – suy ngẫm. Đó là những câu hỏi trọng yếu, vĩnh cửu. Những câu hỏi mang tính vĩnh cửu này có lẽ vẫn tiếp tục được luận bàn khi nào nhân loại còn tồn tại như một thể thân tâm thống nhất trong môi trường vật chất này – tức là trong lớp sinh quyển mỏng manh bao phủ hành tinh trái đất này”­­1. Điều này minh chứng cho tầm nhìn cũng như quan điểm “vượt thời gian” trong cuộc đối thoại của hai tác giả, mang đến cho nhân loại thế giới những cái nhìn toàn diện hơn về một thế giới không ngừng thay đổi.
Với 584 trang, cuốn sách chia làm ba phần nội dung tương ứng với 12 chương về 12 chủ đề cụ thể, gần gũi, thực tế, đa dạng nhưng cũng rất uyên bác và mang tính học thuật thông qua các lý luận chặt chẽ, khách quan.

Phần I – Cuộc sống và xã hội, gồm 5 chương, nội dung xoay quanh các chủ đề về con người, môi trường sống, trí tuệ, sức khỏe, phúc lợi và cả các tổ chức xã hội liên quan đến chủ thể của nhân loại là con người.

Phần II – Chính trị và thế giới, gồm 4 chương, tập trung vào vấn đề chính trị của toàn thế giới như: chiến tranh, các chế độ chính trị, quan hệ giữa các quốc gia tiên tiến và các quốc gia đang phát triển; quan điểm “một thế giới” và “đồng tiền quốc tế”; sự chuyển đổi không ngừng từ thế giới lưỡng cực sang thế giới đa cực.

Phần III – Triết học và tôn giáo, gồm 3 chương, đi sâu mổ xẻ những nội dung mang tính học thuật và nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo, quan niệm đạo đức của con người.

Chính sự đa dạng trong nội dung đã giúp Lựa chọn cuộc sống – Đối thoại cho thế kỷ XXI có thể trở thành cẩm nang, sách “gối đầu giường” của nhiều đối tượng độc giả khác nhau: từ học sinh, sinh viên, các bậc làm cha mẹ, đến giới nhân sĩ, học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, rồi đến giới chuyên gia hoạch định chính sách, thậm chí là cả các tầng lớp lãnh đạo, những người có tiếng nói và vai trò quyết định ở phạm vi quốc gia.

Mặc dù Ikeda Daisku là một người Đông Á, tin theo Phật giáo Đại thừa, trong khi Arnold Toynbee lại là một người Tây Âu, được sinh ra và giáo dục thành tín đồ Cơ đốc giáo, nhưng cả hai đều tin rằng, điều kiện không thể thiếu để nhân loại tiếp tục tồn tại là cần phải thay đổi sâu sắc thái độ sống, mục tiêu, hành vi…; quan hệ giữa con người với con người là nền tảng tạo nên xã hội con người, công cuộc cải cách chế độ xã hội chỉ thành công khi chính mỗi cá nhân quyết tâm thay đổi. Nhân loại luôn phải cùng đối diện với nhiều vấn đề chung thiết thực, mặc dù có sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, có chênh lệch giàu – nghèo, có khác biệt về trình độ kỹ thuật. Để giải quyết những vấn đề chung ấy, cả thế giới cần đoàn kết, hòa bình, hữu nghị. Ikeda Daisku và Arnold Toynbee cũng khẳng định, thế giới nếu được thống nhất bằng vũ lực thì sẽ chỉ mang lại sự hủy diệt mà thôi; mà tốt nhất là nên được thống nhất bằng chính sự cố gắng, quyết tâm của con người, của từng cá nhân, tổ chức. Hai học giả cùng mong đợi và hy vọng nhân loại sẽ đoàn kết về chính trị và tinh thần, bằng sự tự nguyện chứ không phải là sự áp đặt hay thống trị giữa các thế lực hay các quốc gia khác nhau.

Với những ý nghĩa hết sức nhân văn, sâu sắc đó, Lựa chọn cuộc sống – Đối thoại cho thế kỷ XXI sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp độc giả có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết về nhân loại trong lịch sử, ở hiện tại và cả trong tương lai.

ThS. Cù Thị Thúy Lan

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

1. Arnold Toynbee – Ikeda Daisku: Lựa chọn cuộc sống – Đối thoại cho thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 13-14.