Thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, năm 2006 Luật Công chứng lần đầu tiên được ban hành, tiếp theo năm 2014 Luật Công chứng được sửa đổi và năm 2018 Luật Công chứng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung một số điều. Sau 17 năm triển khai thực hiện quy định của hai đạo luật về công chứng, từ những kết quả đạt được cho thấy hoạt động công chứng đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một hoạt động bổ trợ tư pháp mang tính chuyên nghiệp, đặc thù.
Tính đến hết ngày 31/10/2023, cả nước có 3.372 Công chứng viên đang hành nghề tại 1.425 Tổ chức hành nghề công chứng. Năng lực của hệ thống công chứng Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay về công chứng. Trong những năm vừa qua, pháp luật về thể chế công chứng tại Việt Nam phát triển luôn gắn với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chương trình hành động của Chính phủ, kết quả nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, các cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Với quyết tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo hướng:
Xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số; Trong hoạt động công chứng, đội ngũ Công chứng viên tiếp tục được củng cố về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Để góp phần tìm hiểu về sự phát triển của hoạt động công chứng tại Việt Nam trong bối cảnh nêu trên, tác giả TS.CCV. Ninh Thị Hiền đã dày công nghiên cứu biên soạn cuốn sách chuyên khảo “Hoạt động công chứng: những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Nội dung cuốn sách chuyên khảo được hoàn thiện nhằm góp phần làm sâu sắc về lý luận và thực tiễn hoạt động công chứng tại Việt Nam. Một số nội dung được so sánh giữa hai truyền thống pháp luật Dân sự và Thông luật để bạn đọc cùng tham khảo trong quá trình tìm hiểu về hoạt động công chứng.
Cuốn sách bao gồm 07 chương:
– Chương 1: Cơ sở lý thuyết và sự phát triển của hoạt động công chứng
– Chương 2: Đối tượng của hành vi công chứng
– Chương 3: Những vấn đề lý luận về hoạt động công chứng
– Chương 4: Chức năng và phạm vi của hoạt động công chứng
– Chương 5: Văn bản công chứng và hồ sơ công chứng
– Chương 6: Thủ tục công chứng và công chứng điện tử
– Chương 7: Công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng
Về tác giả:
TS.CCV. Ninh Thị Hiền là Trưởng Văn phòng công chứng Ninh Thị Hiền, Giảng viên thỉnh giảng tại một số trường đại học. Tiến sĩ Luật học năm 2018 tại Trường Đại học Luật TP.HCM theo chương trình liên kết nghiên cứu tại Trường Đại học Tự do Brusselles – Vương Quốc Bỉ; Chứng chỉ Công chứng quốc tế do Liên minh Công chứng quốc tế cấp năm 2020.
Chưa có đánh giá nào.