Hiệu quả của pháp luật – Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Pháp luật đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, đã trở thành công cụ quản lý xã hội không thể thay thế trong lịch sử phát triển của loài người và cũng không một công cụ quản lý nào có thể so sánh được với pháp luật về tính hiệu quả trong quản lý nhà nước và xã hội. Chính vì vậy, việc nghiên cứu lý luận, đánh giá thực tiễn và tìm ra những giải pháp đúng đắn, phù hợp để nâng cao hiệu quả của pháp luật là vấn đề rất có ý nghĩa, cả về mặt khoa học và thực tiễn.

Hieuquacuaphapluat

Ở nước ta, trong điều kiện đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì pháp luật được coi là cơ sở nền tảng để điều chỉnh các hành vi cá nhân, các quan hệ xã hội, bảo đảm cho xã hội ổn định và phát triển bền vững. Để bảo đảm cho xã hội phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả của pháp luật là một yêu cầu tất yếu. Trong bối cảnh đó, việc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và phát hành cuốn sách Hiệu quả của pháp luật – Những vấn đề lý luận và thực tiễn (sách chuyên khảo) của PGS. TS. GVCC. Nguyễn Minh Đoan (hiện là GS. TS. GVCC. Nguyễn Minh Đoan) và PGS. TS. Vũ Trọng Lâm là một cách tiếp cận nhằm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của pháp luật, để pháp luật ngày càng đi vào cuộc sống.

Trong cuốn sách, các tác giả đã cung cấp những vấn đề lý luận cơ bản về hiệu quả của pháp luật. Theo đó, để đánh giá hiệu quả của pháp luật, cần dựa vào các tiêu chí như: trạng thái ban đầu của các quan hệ xã hội khi pháp luật chưa điều chỉnh; mục đích, yêu cầu và định hướng của pháp luật; chất lượng của pháp luật; những biến đổi thực tế do sự tác động của pháp luật trong đời sống xã hội; mức chi phí để đạt được kết quả trong thực tế. Và pháp luật được xem là có hiệu quả khi: chất lượng của pháp luật bảo đảm cho nó khả năng tác động tốt nhất trong điều kiện hiện tại; kết quả tác động của pháp luật đạt được trong thực tế phù hợp với những mục đích, yêu cầu và định hướng đề ra; sự tác động của pháp luật trong đời sống xã hội tạo ra những biến đổi tích cực của các quan hệ xã hội luôn nhiều hơn và tốt hơn so với những biến đổi tiêu cực; những chi phí về vật chất và tinh thần để đạt được kết quả mong muốn ở mức thấp. Nói cách khác, pháp luật có hiệu quả phải là pháp luật đáp ứng, phục vụ cho những mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của đất nước, phải góp phần tạo ra sự tiến bộ xã hội, đưa lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Ở Việt Nam, vai trò của pháp luật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là vô cùng quan trọng, to lớn. Đó là sản phẩm của trí tuệ Việt Nam. trong chương sách thứ hai, các tác giả đã phân tích, đánh giá về hiệu quả của pháp luật Việt Nam kể từ thời kỳ đổi mới (1986) đến nay trên một số lĩnh vực quan trọng: kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh…Trong chương này, các tác giả đi sâu nghiên cứu về những mục đích, yêu cầu, định hướng cơ bản, chất lượng của pháp luật Việt Nam thời kỳ đổi mới, những kết quả thực tế đạt được do sự tác động của pháp luật Việt Nam thời kỳ đổi mới, những chi phí cho các hoạt động pháp luật ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, nhằm giúp độc giả có cái nhìn sâu hơn, bao quát hơn, các tác giả cũng đã khái quát thực trạng kinh tế – xã hội và pháp luật Việt Nam trước thời kỳ đổi mới với sự hình thành những nhu cầu xã hội bức xúc đòi hỏi pháp luật phải đổi mới.

Từ những lý luận cơ bản cũng như đánh giá thực tiễn hiệu quả của pháp luật Việt Nam ở hai chương đầu, các tác giả tập trung trí tuệ và tâm huyết vào chương thứ ba – phương hướng và giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả của pháp luật ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, trong đó cần đặt trọng tâm vào một số phương hướng và giải pháp cơ bản như: 1) chú trọng tổng kết thực tiễn, đánh giá đúng thực trạng đời sống pháp luật; 2) đẩy mạnh hoạt động hệ thống hóa và xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng của pháp luật; 3) tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật; 4) đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi vi phạm pháp luật; 5) đẩy mạnh công tác giải thích, phổ biến và giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức và văn hóa pháp luật cho cán bộ, nhân dân; 6) tăng cường đầu tư cho các hoạt động pháp luật, đồng thời thực hành tiết kiệm và nâng cao năng suất lao động trong các hoạt động pháp luật. Những phương hướng và giải pháp này chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả, đặc biệt là các nhà lãnh đạo quản lý, hoạch định, xây dựng pháp luật.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, việc nâng cao vai trò, hiệu quả của pháp luật không chỉ nhằm mục đích xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, văn minh, mà còn hướng đến bảo vệ và phát triển các giá trị chân chính, trong đó có giá trị đạo đức. Pháp luật càng chặt chẽ, đầy đủ và được thi hành nghiêm minh thì đạo đức càng được đề cao, đồng thời chức năng giáo dục của đạo đức càng được mở rộng và ảnh hưởng một cách toàn diện, tích cực đến mọi hành vi, mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.Do vậy, đây là một vấn đề có tính thời sự, cấp thiết, đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều giới. Trong điều kiện đó, những nội dung cuốn sách trình bày “chỉ là những nội dung cơ bản và có tính khái quát nhất”, cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển và tiếp tục hoàn thiện đầy đủ hơn.

Giao Linh