Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta kéo dài hơn 20 năm (1954-1975). Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn dã tâm xâm lược và âm mưu áp đặt chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ trên đất nước Việt Nam, giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Trong cuộc trường chinh của dân tộc, chúng ta luôn có Đảng và Bác Hồ dẫn đường, chỉ lối. Đường lối chính trị và quân sự đúng đắn của Đảng và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế… đã tạo ra những bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, thúc đẩy cách mạng nhanh đến ngày toàn thắng. “Hành trình đến Ngày Chiến thắng 30-4” sẽ cung cấp cho bạn đọc những dấu mốc quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Kháng chiến chống Mỹ là nhiệm vụ tất yếu của cách mạng Việt Nam

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ đã triệt để lợi dụng những điều kiện thuận lợi từ cuộc chiến như: Buôn bán vũ khí thu lợi nhuận, lợi dụng chiến tranh để làm giàu, tận dụng nguồn nhân lực dồi dào do ít bị tổn thất trong chiến tranh… để vươn lên thành một đế quốc giàu có bậc nhất thế giới. Chính vì vậy, Mỹ đã đứng ra đảm nhận vai trò “sen đầm quốc tế” để bảo vệ và cứu nguy hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa đang suy yếu trước sự lớn mạnh nhanh chóng của các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đang lan rộng trên toàn thế giới.

Trên chiến trường Đông Dương, tháng 5-1950, Mỹ chính thức viện trợ cho thực dân Pháp để Pháp duy trì sự thống trị ở các nước thuộc địa. Sự viện trợ quân sự của Mỹ đối với thực dân Pháp được tăng lên từng năm. Năm 1952, viện trợ của Mỹ mới chỉ chiếm 35% thì đến năm 1954 đã tăng vọt lên chiếm 73% tổng ngân sách của thực dân Pháp chi phí cho cuộc chiến tranh Đông Dương. Nguồn kinh phí của Mỹ đã tạo điều kiện cho thực dân Pháp tiến hành nhiều thủ đoạn cả chính trị và quân sự hòng cứu vãn tình thế ngày càng nguy khốn trên chiến trường Đông Dương. Tuy nhiên, sự hà hơi tiếp sức của Mỹ cũng không thể cứu thực dân Pháp khỏi thảm họa thất bại tại Việt Nam sau cuộc đối đầu với quân và dân ta trên chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Sự thất bại của thực dân Pháp trên chiến trường Đông Dương buộc Mỹ phải tính đến các con bài khác để tiếp tục hiện diện ở khu vực này.

Tháng 7-1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về Việt Nam và gây sức ép với Pháp để Ngô Đình Diệm được cầm quyền chấp chính. Đây là con bài mà Mỹ đã chuẩn bị từ lâu. “Quốc trưởng” Bảo Đại đã có phản ứng yếu ớt trước động thái này của Mỹ, vì vậy không đem lại kết quả gì. Sự kiện này cho thấy, Mỹ bắt đầu ra tay gạt Pháp khỏi Đông Dương và đơn phương thao túng bàn cờ chính trị ở Việt Nam. Đây là thời điểm có tính dấu mốc xác định Mỹ bắt đầu áp đặt chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam.

Chỉ ít ngày sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Tổng thống Mỹ Aixenhao đã họp Hội đồng An ninh quốc gia quyết định thay Pháp “ngăn làn thủy triều đỏ của chủ nghĩa cộng sản” ở Việt Nam.

Tiếp theo hành động này, Mỹ đã tiếp tay giúp Ngô Đình Diệm từ chối hiệp thương tổng tuyển cử (10-1955), thực hiện chiêu trò “trưng cầu dân ý” để phế truất Bảo Đại (23-10-1955), rồi tổ chức bầu cử gian lận để thành lập quốc gia riêng với tên gọi là Việt Nam cộng hòa từ nam Vĩ tuyến 17 trở vào, do Ngô Đình Diệm ngồi ghế tổng thống. Với những việc đã làm, có thể thấy Mỹ thành công bước đầu trong việc áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Hành động của Mỹ nhằm vào hai mục tiêu lớn. Thứ nhất là biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự chiến lược, để ngăn chặn và đe dọa tiến công các lực lượng cách mạng xã hội chủ nghĩa đang phát triển mạnh trong khu vực mà Mỹ cho rằng, sẽ làm ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ trong khu vực. Thứ hai là ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc đang dâng cao ở Đông Nam Á. Mỹ cho rằng, nếu đánh bại được Việt Nam thì Mỹ có thể thành công cả về chiến lược và chiến thuật “chống Cộng”, đồng thời xóa bỏ được sự ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam – ngọn cờ đại diện cho ý chí độc lập, tự do, đại diện cho phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực từ sau Cách mạng Tháng Tám. Vì vậy, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta không chỉ nhằm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn là sự bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, thành quả của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hơn nữa, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), ta mới giải phóng được một nửa đất nước. Ở miền Nam, nhân dân vẫn phải sống dưới ách thống trị của chế độ thực dân kiểu mới do Mỹ dựng lên. Mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no hạnh phúc trở thành nguyện vọng thiêng liêng của toàn dân tộc và cũng là mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam. Trong thực tiễn bối cảnh Việt Nam lúc bấy giờ, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao thiện chí, sẵn sàng hiệp thương với chính quyền Việt Nam cộng hòa, tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng thiện chí của Đảng và Chính phủ ta, đế quốc Mỹ và tay sai đã đáp lại bằng những hành động thù địch. Chúng trắng trợn phá hoại tổng tuyển cử, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ngang nhiên mở chiến dịch “tố Cộng, diệt Cộng” nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng và những người yêu nước ở miền Nam.

Trước nhưng âm mưu và hành động tàn bạo của đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa, nhân dân ta không còn con đường nào khác là đứng lên kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

TRẦN KIM HÀ

Theo Báo Quân đội nhân dân