Ðầu năm Ất Mùi – 2015, 151 nhà văn quốc tế đến từ 43 nước và vùng lãnh thổ đã xông đất Việt Nam, cùng làm nên sự kiện văn học “ba trong một”: Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba, Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ hai và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13.

khai-mac-hoi-nghi-quang-ba-van-hoc-viet-nam-lan-thu-3-bb-baaacNGYZSKhai mạc Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ ba

So với lần trước thì lần này có những nhân vật quan trọng của văn đàn thế giới như: Môhamét Sanmauy, Quốc vụ khanh Chính phủ Ai Cập, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á Phi; Phécnanđô Ranđơn, Tổng thư ký Liên đoàn thơ thế giới; Anđrây Grabốpxki, Chủ tịch Liên hoan thơ Galixia (Ba Lan)… Có những nước lần đầu tiên tham dự như Cuba, Côlômbia, Anbani…; riêng Trung Quốc cử ba đoàn nhà văn sang. Ðiều này phần nào chứng tỏ sức thu hút của đất nước và văn học Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Qua sáu ngày gặp gỡ chính thức, nhiều vấn đề văn học đương đại cùng những thách thức toàn cầu mà loài người đang phải đối mặt đã được các nhà văn phân tích, mổ xẻ. Ðiều đáng mừng là, một quan điểm chung được thống nhất ngay từ đầu và xuyên suốt: văn học hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào, trước hết và trên hết phải vì con người, phải làm thức tỉnh lương tri nhân loại, kết nối các dân tộc vì một thế giới hòa bình, hòa giải và hợp tác. Nhiều cuộc giao lưu chung và riêng, nhiều cuốn sách được trao đổi. Những địa danh nổi tiếng và những “đặc sản” văn hóa Việt Nam đã được các “sứ giả văn hóa” quốc tế thưởng thức, khám phá. Về bề nổi, chúng ta đã làm khá tốt, còn bề sâu – tức những kết quả cụ thể mà hội nghị này mang lại, đang là điều mà những người hoạt động văn học và công chúng trông đợi.

Trong xu hướng chung của ngành xuất bản thế giới thì dịch giả (tuy rất quan trọng), chỉ là người thực hiện theo đơn đặt hàng, còn các nhà xuất bản mới là nơi quyết định in ấn, phát hành tác phẩm. Tại hội nghị lần này, có khá nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả nổi tiếng nhưng lại thiếu vắng đại diện các nhà xuất bản hàng đầu thế giới. Thậm chí một số người làm xuất bản ở Việt Nam muốn liên hệ với các đồng nghiệp quốc tế, nhưng không biết tìm ở đâu, hỏi ai… Chúng ta đã bỏ thời gian và một lượng kinh phí không nhỏ để đón tiếp các nhà văn quốc tế, và các bạn sang đây chắc cũng mang theo những mục tiêu cụ thể, chứ không phải chỉ để lên sân khấu đọc một, hai bài thơ.

Từ hội nghị lần trước, sau ba năm, chúng ta cũng chưa tổng kết được có bao nhiêu đầu sách Việt Nam đã dịch ra tiếng nước ngoài và ngược lại (có được từ kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp của hội nghị). Và do chưa có số liệu, cho nên chưa thể phân tích, đánh giá, để từ đó đề ra chiến lược quảng bá văn học nước nhà một cách tối ưu.

Câu hỏi chúng tôi thường xuyên nhận được trong quá trình giao lưu là: “Bạn mới xuất bản cuốn sách nào?”, “Gần đây có tác phẩm nào đáng chú ý?” dường như không có câu trả lời thật sự thỏa đáng. Phần giới thiệu văn học của nước ta tại hội nghị còn khá chung chung, chủ yếu là vị trí, vai trò, tiến trình của văn học, quan điểm sáng tác… mà thiếu những tác phẩm văn học cụ thể mới xuất bản, mang hơi thở đời sống văn học hiện nay. Các đại biểu tham dự hội nghị về phía ta, phần lớn là các nhà văn hội viên có thành tựu, lớn tuổi, nhưng lại thiếu vắng những cây bút trẻ (chưa phải là hội viên) đang viết sung sức hiện nay.

Nói như dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc), văn hóa là danh thiếp của một quốc gia mà văn học là công cụ quảng bá cho đất nước một cách hữu hiệu và không tốn kém. Vì vậy, giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới không chỉ là công việc của riêng các nhà văn, cần có sự quan tâm đặc biệt, mang vai trò chủ đạo của Nhà nước với sự phối hợp của các ngành liên quan. Nếu không mục tiêu quảng bá sẽ hạn chế và chỉ đạt ở mức làm tốt “giao lưu” mà thôi.

Hữu Việt

(Theo Nhân dân)