Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật mới được thông qua

Sáng ngày 11 tháng 12 năm 2018, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 6 thông qua.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật được thông qua bao gồm: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Đặc xá; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo các bộ: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng,  Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Nông nghiệp và phát triển  nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thông tin những điểm quan trọng của các Luật này.

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

Luật Phòng, chống tham nhũng gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.

Giới thiệu về những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN ) năm 2018, Phó Tổng Thanh Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Luật từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, Luật quy định việc áp dụng PCTN đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp trong hoạt động từ thiện.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh tại buổi họp báo

Luật quy định cụ thể về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo hướng mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu và thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm.

Về xử lý tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho hay, đây là chương có nhiều nội dung mới được bổ sung, thể hiện tính  nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, tăng cường hiệu quả thực thi Luật PCTN và hiệu quả của công tác PCTN. Cụ thể, Luật PCTN 2018 đã quy định rõ các nguyên tắc về việc xử lý tham nhũng, liệt kê các hành vi khác vi phạm pháp luật  về PCTN và quy định mang tính nguyên tắc xử lý đối với các hành vi này.
Luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, tổ chức trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng…

Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch

Thứ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư Lê Quang Mạnh khẳng định Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch đã đảm bảo sự nhất quán, đồng bộ, đảm bảo các luật liên quan phù hợp quy hoạch, bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa dịch vụ sản phẩm là bước đột phá trong cải cách hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch.

Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch đã quy định về thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm; thời kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm…

Luật có 32 Điều và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Luật Công an nhân dân

Luật Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 và thay thế cho Luật Công an nhân dân năm 2014. Luật có 7 chương và 48 điều.

Một số nội dung đáng chú ý của Luật như: Bộ Công an có số lượng Thiếu tướng không quá 157, số lượng Trung tướng không quá 35 và số lượng Thượng tướng không quá 6; Sĩ quan biệt phái được hưởng chính sách như công tác trong ngành công an, được bổ nhiệm chức vụ tương đương chức vụ biệt phái khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái; được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Luật Công an nhân dân năm 2018 đã thể chế hoá quan điểm chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cụ thể hoá các quy định  của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật CAND năm 2014; bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, trực tiếp, quan trọng để lực lượng CAND nâng cao chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho; xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tạo môi trường ổn định để phát triển mọi mặt của đất nước…/.

 

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an

Luật Đặc xá

Luật Đặc xá có 6 chương và 39 điều, có hiệu lực từ ngày 01/07/2019; thay thế cho Luật Đặc xá năm 2007.

Luật Đặc xá quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá. Đối tượng gồm người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân và tổ chức trong nước, ngoài nước có liên quan đến hoạt động đặc xá.

Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này.

Một trong những nội dung nổi bật của Luật này là quy định không đề nghị đặc xá với người bị kết án tù về các tội Phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của quốc gia, tội Chống phá cơ sở giam giữ…; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; Có từ 02 tiền án trở lên…

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước có 5 chương và 28 điều.

Theo quy định của Luật này, bí mật Nhà nước được phân loại thành 3 độ mật: Tuyệt mật, Tối mật và Mật theo từng lĩnh vực. Thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước là 30 năm đối với bí mật Nhà nước ở mức độ “Tuyệt mật”; 20 năm đối với bí mật Nhà nước ở mức độ “Tối mật”; 10 năm đối với bí mật Nhà nước ở mức độ “Mật”…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2020, thay thế Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000.

Luật Cảnh sát biển

Luật Cảnh sát biển có 8 chương và 41 điều, cũng có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 và sẽ thay thế cho Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998.

Luật này quy định cụ thể về các trường hợp cảnh sát biển được nổ súng quân dụng, trong đó có các trường hợp như: Đối tượng điều khiển tàu thuyền tấn công hoặc đe dọa trực tiếp tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn; Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép…

 

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Việc Quốc hội ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN)  thể hiện tuyên bố mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp pháp luật, hoà bình, phù hợp với pháp luật quốc tế. Đồng thời, đây cũng là một bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ biển, đảo Việt Nam giai đoạn hiện nay.

 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Luật có 5 điều, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về hình thức đào tạo của giáo dục đại học; Phương thức hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học…

 

ông Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo 

Thứ trưởng Lê Hải An đã giới thiệu những điểm mới trong đó đáng chú ý, Luật này đã mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An, Luật quy định đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở GDĐH để tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ. Theo đó, các trường được tự chủ trong hoạt động chuyên môn, trong tổ chức và nhân sự, trong tài chính và tài sản nhưng phải có trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

Cơ sở GDĐH có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác; ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế thông qua việc xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế; xây dựng các chuẩn GDĐH như: Chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH… tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới. Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.

Luật Chăn nuôi

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Anh Tiến giới thiệu những điểm mới của Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi.

Luật chăn nuôi có 8 chương và 82 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Luật sẽ thay thế cho Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004.

Luật quy định khá chặt chẽ về thức ăn chăn nuôi, trong đó yêu cầu chỉ sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn còn non, trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh…

Luật Trồng trọt

Luật Trồng trọt có 7 chương và 85 điều, thay thế cho Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004.

Luật này quy định phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành, trừ phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên; phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm hoặc lân hoặc kali…

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể về điều kiện buôn bán phân bón, trong đó yêu cầu tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, trừ trường hợp buôn bán phân bón do chính mình sản xuất…

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

XUÂN BÁCH, HÙNG LAN