Chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Tóm tắt: Virus corona chủng mới khởi phát vào tháng 12/2019, sau đó bùng phát thành đại dịch Covid-19. Đến cuối tháng 9/2020, đại dịch Covid-19 vẫn chưa được dập tắt, tiếp tục gây thảm họa cho sự sống của con người, làm “đảo lộn” đời sống xã hội toàn thế giới. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 diễn ra trong 10 tháng qua đang đặt ra nhiều vấn đề đối với các quốc gia và quốc tế, trong đó nổi bật là những hoài nghi về chủ nghĩa đa phương.
Tuần lễ Cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại trụ sở New York, Hoa Kỳ (từ ngày 21/9 đến ngày 02/10/2020) xác định chủ đề của Hội nghị là: “Tương lai chúng ta muốn, Liên hợp quốc chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương – ứng phó Covid-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”.
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 25/9/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thông điệp tới Hội nghị, trong đó khẳng định quan điểm “cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực phải được tôn trọng và phát huy”1.
Từ thực tiễn cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra cùng hai sự kiện đã nêu cho thấy, đại dịch Covid-19 đang đặt chủ nghĩa đa phương trước những thách thức sống còn.
1. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và vai trò của chủ nghĩa đa phương
Đại dịch Covid-19 và vai trò của Tổ chức Y tế thế giới
Trước sự lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh, Bill Gates – người sáng lập Microsoft cho rằng: “chỉ sự hợp tác quốc tế mới có thể ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của Covid-19… Tất cả các nước phải làm việc cùng nhau nhằm chấm dứt đại dịch”2. Song thực tế cho thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không có sự hợp tác chung tay chống dịch, kể cả sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên của tổ chức khu vực, quốc tế.
Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization – WHO) là một tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, có trách nhiệm chăm lo, giải quyết các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên thế giới, cung cấp những thông tin chính xác về sức khỏe con người, giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh của con người.
Nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, WHO đã phải đối mặt với hàng loạt dư luận tiêu cực: Ngày 19/5/2020, tại cuộc họp trực tuyến của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA), các nước thành viên của WHO nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi điều tra độc lập về những biện pháp đối phó với Covid-19 của WHO3. Đầu tháng 7/2020, một nhóm nhà khoa học gồm 239 người đã gửi một thư mở đến WHO, lên án tổ chức này không đưa ra được cảnh báo phù hợp về nguy cơ lây lan của virus corona4.
Việc WHO không thể hiện được vai trò tập hợp, chăm lo, giải quyết các vấn đề về sức khỏe và y tế của thế giới trong khi đại dịch diễn ra đã làm suy giảm uy tín của tổ chức này cũng như của Liên hợp quốc – tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Đây là một trong những lý do mà ngày 06/7/2020, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gửi thông báo chính thức tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về việc Mỹ chính thức bắt đầu rút khỏi WHO5.
Dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu, những thách thức mà Covid-19 đặt ra là mang tính toàn cầu, đòi hỏi phải có cách tiếp cận cũng như cơ chế quản trị chống dịch ở tầm toàn cầu. Theo đó, để đối phó với đại dịch Covid-19, cần có sự phối hợp, hợp tác một cách thiện chí trên phạm vi toàn thế giới. Chính tình trạng thiếu sự lãnh đạo ở tầm toàn cầu đã làm trầm trọng hơn hậu quả của dịch bệnh.
Các tổ chức đa phương khác có thực sự hữu ích trong ứng phó với dịch bệnh?
Giai đoạn đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu, nhiều người kỳ vọng các tổ chức quốc tế và khu vực sẽ phát huy vai trò của mình trong việc ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, thế giới đã phải thất vọng bởi sự quản trị toàn cầu đã không đem lại kết quả như mong đợi; thậm chí cho đến nay, sau 10 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát, thế giới vẫn đang trong tình trạng thiếu sự dẫn dắt, lãnh đạo mang tính toàn cầu để ứng phó với dịch bệnh.
Đây không phải là đại dịch đầu tiên mà nhân loại phải đối phó6, song trong những tháng đầu năm 2020, phần lớn các quốc gia đều rơi vào tình trạng bị động, lúng túng, thậm chí “vỡ trận” trước sự bùng phát của Covid-19. Ngoài những nguyên nhân như: sự chủ quan của lãnh đạo các quốc gia trước dịch bệnh; sự chần chừ chống dịch do phải cân nhắc giữa kinh tế và sức khỏe của người dân, còn có những nguyên sâu xa hơn, trong đó đặc biệt là do thiếu sự phòng bị cụ thể cũng như thiếu sự phòng bị chiến lược để ứng phó với tình trạng khẩn cấp ở từng quốc gia và các tổ chức đa phương. Bà Suzanne Scholte, Chủ tịch Quỹ Diễn đàn Quốc phòng Mỹ cho rằng, lần dịch bệnh này đã cho thấy một thế giới không có chút phòng bị nào; Arnaud Danjean – nhà lập pháp châu Âu nhận định, chúng ta không được vũ trang đầy đủ để chống lại dịch Covid-197; tại cuộc họp báo ngày 10/07/2020, Tổng Giám đốc WHO cũng nói rằng “các quốc gia đã không có sự chuẩn bị trong ứng phó dịch bệnh”8.
Mặt khác, tình trạng thiếu hợp tác, thiếu sự trợ giúp lẫn nhau giữa những quốc gia thành viên trong các tổ chức đa phương cũng rất đáng lo ngại. Ví dụ, khi đại dịch bắt đầu bùng phát ở Italia, “Chính phủ Italia đã liên tục kêu gọi các quốc gia đồng minh trong khối EU viện trợ vật tư y tế để chống dịch, nhưng yêu cầu của Italia đã không được đáp ứng. Ngược lại, những quốc gia đồng minh của Italia trong EU như Đức, Pháp, Tây Ban Nha… lại đồng loạt đóng cửa biên giới với Italia và tập trung tích trữ vật tư y tế để dự phòng cho nhu cầu của riêng mình”9. Phải đến 4 tháng sau, vào ngày 17/7/2020, các lãnh đạo EU (lãnh đạo Liên minh châu Âu cùng 27 quốc gia thành viên) mới nhóm họp lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát ở châu Âu, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và kinh tế. Cuộc họp đã nhất trí thông qua thỏa thuận tổng giá trị 750 tỷ euro (857 tỷ USD) sẽ được chia cho các quốc gia và các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch dưới hình thức trợ cấp và cho vay10.
Các tổ chức đa phương khác như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các liên minh quân sự như NATO gần như hoàn toàn bất lực hoặc vai trò trở nên mờ nhạt khi đại dịch bùng phát11.
Trong thời gian gần đây, vấn đề nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm vắcxin  Covid-19 cũng đang tạo sự lo ngại trong dư luận về “chủ nghĩa dân tộc vắcxin”, các nước cạnh tranh vô cùng quyết liệt trong cuộc chạy đua sản xuất vắcxin Covid-19. Tình trạng các quốc gia đặt lợi ích riêng lên trên hết đã khiến đại dịch Covid trở nên tồi tệ hơn, vì vậy Tổng Giám đốc WHO –  Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải kêu gọi chấm dứt “chủ nghĩa dân tộc vắcxin”12.
Điều này khiến người ta phải đặt dấu hỏi về giá trị và tính hữu ích của các tổ chức khu vực và quốc tế, của chủ nghĩa đa phương trước những hiểm họa khẩn cấp toàn cầu.
Những lỗ hổng của chủ nghĩa đa phương
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chủ nghĩa đa phương đã bộc lộ những hạn chế, lỗ hổng không đáng có. Trước hết, sự phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây đổ vỡ cả chuỗi cung ứng trong trường hợp khẩn cấp quốc gia. Trước đó, việc Chính phủ Mỹ thay đổi chính sách theo hướng thu hút đầu tư “hồi hương” để phục vụ mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, điển hình là việc Tổng thống Mỹ đã quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đàm phán lại các FTA, cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã ảnh hưởng tiêu cực tới chủ nghĩa đa phương, nhưng có thể nói sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến các quốc gia phải “giật mình” bởi sự phụ thuộc quá mức vào “công xưởng của thế giới”13.
Trên phương diện quan hệ chính trị quốc tế, đại dịch Covid đã làm tăng thêm sự nghi kỵ và giảm lòng tin giữa các nước. Có thể thấy rõ xu hướng này qua việc Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật, Canađa, Ôxtrâylia đều đã có những động thái định hình lại quan hệ với Trung Quốc. Nguyên nhân là do các nước này đã nhận thức được hậu quả về kinh tế – chính trị đối với quốc gia nếu quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Alexander L. Vuving, Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương APCSS (Mỹ) cho rằng, một số nước đã thấy rõ “sự phụ thuộc chết người” vào thị trường Trung Quốc và quyết tâm thay đổi điều này.
Bên cạnh đó, trên thực tế, đã hình thành một xu hướng “thế giới khát khao tìm kiếm sự thật” với ý thức chính trị rất rõ ràng là phải làm rõ những ẩn số về Covid như nguồn gốc và trách nhiệm về sự lây lan của virus corona để tránh lặp lại trong tương lai. Cùng với đó là hiện tượng một số quốc gia lợi dụng dịch bệnh để giành giật lợi ích từ các quốc gia khác bất chấp lợi ích chung như đã thỏa thuận của chủ nghĩa đa phương.
2. Bài học về xây dựng các cơ chế đa phương từ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã cho thấy những hạn chế trong nhận thức về chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với dịch bệnh. Từ đó, có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:
Trước hết, đại dịch Covid-19 là một sự cảnh báo nghiêm khắc về trách nhiệm chính trị của lãnh đạo các quốc gia và hệ thống chính trị các nước. Bởi suy cho cùng, chức năng, vai trò quan trọng nhất của hệ thống chính trị và lãnh đạo các quốc gia là bảo vệ sự sống, cuộc sống của người dân, bảo vệ người dân khỏi những “mối nguy hiểm” có thể tránh được.
Bài học quản trị quốc gia trong chống dịch bệnh là lãnh đạo các nước phải xác định một cách nhất quán, rõ ràng trách nhiệm chính trị đối với việc bảo vệ sức khỏe của người dân, phải đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết, đó là động lực để chống dịch với quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt.
Mặt khác, trong tình trạng dịch bệnh diễn ra trên toàn cầu, lãnh đạo các quốc gia cần giải tỏa những ràng buộc địa chính trị và ý thức hệ chính trị để ưu tiên hợp tác quốc tế trong việc chống dịch bệnh, vì chỉ có sự hợp tác quốc tế mới đủ sức mạnh để chống lại các đại dịch như đại dịch Covid-19. Suy cho cùng “việc chia sẻ nguồn cung ứng hữu hạn một cách có chiến lược trên phạm vi toàn cầu thực sự là vì lợi ích của mỗi quốc gia. Không ai được an toàn cho đến khi tất cả an toàn”14. Thực tế cho thấy, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các quốc gia đã thiếu hợp tác, không chia sẻ thông tin đầy đủ, minh bạch trong công tác phòng, chống dịch, trong khi sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau ở mức cần thiết về các nguồn lực là cách để chống dịch một cách hiệu quả.
Hai là, thế giới cần xây dựng một thể chế đa phương để thực hiện mục tiêu chăm lo, giải quyết những vấn đề cấp bách về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, có khả năng cảnh báo, ngăn ngừa và ứng phó với đại dịch ở mức hiệu quả nhất; đồng thời, cần xây dựng một cơ chế bảo đảm hoạt động của các thể chế quốc tế không bị ràng buộc, chi phối bởi bất kỳ một quốc gia hay cá nhân nào.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, có một số ý kiến đánh giá khá cao kinh nghiệm hợp tác nội khối của tổ chức ASEAN trong kiểm soát dịch bệnh, cũng như sự hợp tác giữa ASEAN với một số nước khác trong ứng phó với dịch bệnh. Nhưng xét một cách tổng thể, các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực chưa phát huy hết vai trò của mình trong việc tạo ra một cơ chế quản trị đối phó hiệu quả với dịch bệnh cũng như với thảm họa toàn cầu; đồng thời, chưa có được một cơ chế bảo đảm sự bình đẳng về các lợi ích chung cho các thành viên tham gia toàn cầu hóa.
Thực tế đó đã cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị tầm quốc tế bài học về phát triển các hình thức hội nhập, liên kết không được triệt tiêu điều kiện hình thành một cơ chế quản trị hữu hiệu trong tình trạng khẩn cấp quốc tế; bản thân các quốc gia trong hội nhập, liên kết cần tránh tình trạng bị lợi dụng, thao túng và lệ thuộc vào chuỗi cung ứng của một nước, một khu vực; hội nhập, liên kết nhưng phải bảo đảm mỗi quốc gia có khả năng, điều kiện tồn tại trong hoàn cảnh khẩn cấp; các nước tham gia toàn cầu hóa cần tự chủ trong lĩnh vực y tế thiết yếu, bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cộng đồng quốc gia. Thậm chí có ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống Covid-19 khiến chúng ta phải coi y tế là lĩnh vực chiến lược, cần quan tâm, đầu tư như quốc phòng.
Ba là, bài học về sự hợp tác đa phương trong trường hợp khẩn cấp. Theo đó, bên cạnh việc giữ vững độc lập, tự chủ và sự tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi trong hợp tác giữa các quốc gia, cần phải tỉnh táo, cảnh giác trong hội nhập, liên kết quốc tế, tránh rơi vào “cạm bẫy” của những đối tác vị kỷ, có âm mưu đen tối, lợi dụng dịch bệnh để thực hiện những hành động phi pháp, trục lợi.
Trong hợp tác đa phương, hình ảnh, vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế trước hết được thể hiện ở uy tín của quốc gia đó trên phương diện đối nội và đối ngoại. Một quốc gia đại diện cho những giá trị mà các quốc gia khác, dân tộc khác cũng mong muốn theo đuổi, thì hình ảnh, vị thế của quốc gia đó trên chính trường thế giới sẽ được nâng cao, và ngược lại.
Để xây dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trong chủ nghĩa đa phương, “một nhà nước có thể sử dụng quyền lực toàn cầu bằng cách tham gia và hành động cùng với các nhà nước khác”15. Sự tham gia và hành động chung thông qua việc sử dụng “quyền lực mềm” của quốc gia với mục tiêu cao cả là vì sự sống con người kết hợp với chiến lược minh bạch và hợp tác, tinh thần quảng đại và trách nhiệm chính trị đối với thế giới là điều hết sức quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh tốt đẹp, nâng tầm ảnh hưởng của đất nước trong quan hệ đa phương.
Ở Việt Nam, dù nguồn lực và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân của đất nước còn hạn chế, nhưng đã tạo dựng được lòng tin của nhân dân, có được sự đồng thuận, hợp tác của toàn dân trong cuộc chiến chống Covid. Mặt khác, với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã chủ động phối hợp với các nước ASEAN chống lại dịch Covid-19; ủng hộ các quốc gia khác chống dịch bằng việc gửi tặng khẩu trang và vật tư y tế.
Trong thông điệp gửi tới Hội nghị Cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát huy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc, góp phần xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả”16.
Có thể khẳng định, từ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã cho thế giới những bài học đắt giá về xây dựng thể chế toàn cầu, về chủ nghĩa đa phương và sự hợp tác giữa các nước. Thế giới không thể quay lại quá khứ để sửa chữa những sai lầm trong hơn 10 tháng đại dịch hoành hành, thay vào đó thế giới phải học thật nhanh những bài học đó để tránh lặp lại những sai lầm, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang buộc chúng ta phải chuyển trạng thái từ quyết tâm “chiến đấu chống Covid-19” sang “học cách sống chung với Covid-19”.
1. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Việt Nam mong muốn phát huy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc”, http://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-mong-muon-phat-huy-quan-he-hop-tac-toan-dien-voi-lien-hop-quoc-564277.html.
2. Thục Linh: “Bill Gates dự đoán thế giới hậu Covid-19”, https://vnexpress.net/bill-gates-du-doan-the-gioi-hau-covid-19-4162302.html.
3. Ánh Ngọc: “Các nước nhất trí điều tra WHO”, https://vnexpress.net/cac-nuoc-nhat-tri-dieu-tra-who-4102053.html.
4. Phúc Long: “Giới khoa học lên án WHO phớt lờ mối nguy virus corona lây qua không khí”, https://tuoitre.vn/gioi-khoa-hoc-len-an-who-phot-lo-moi-nguy-virus-corona-lay-qua-khong-khi-20200705163234464.htm.
5. An Bình: “Mỹ chính thức khởi động tiến trình rút khỏi WHO”, http://baochinhphu.vn/Quocte/My-chinh-thuc-khoi-dong-tien-trinh-rut-khoi WHO/400160.vgp.
6. Thế giới đã từng diễn ra 5 đại dịch được coi là khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại và gần đây là đại dịch cúm A H1N1 toàn cầu (2009-2010) với con số báo cáo chính thức cho WHO là 1,6 triệu người mắc, 18.449 người tử vong.
7. Phương Vũ: “Pháp trả giá trước Covid-19 vì coi thường sản xuất trong nước”, https://vnexpress.net/phap-tra-gia-truoc-covid-19-vi-coi-thuong-san-xuat-trong-nuoc-4100951.html.
8. “Tổng giám đốc WHO khóc tại họp báo, kêu gọi đoàn kết chống COVID-19”, https://tuoitre.vn/tong-giam-doc-who-khoc-tai-hop-bao-keu-goi-doan-ket-chong-covid-19-20200710141158716.htm.
9. Tạ Hoàng Tấn: “Giải pháp nào để thế giới vượt qua khủng hoảng Covid-19?”, http://nghiencuuquocte.org/2020/09/20/giai-phap-nao-de-the-gioi-vuot-qua-khung-hoang-covid-19/.
10. Thanh Tâm: “Bài học châu Âu “dạy” Mỹ về Covid-19”, vnexpress.net/bai-hoc-chau-au-day-my-ve-covid-19-4134636.html.
11. Hoàng Anh Tuấn: “Thế giới hậu Covid-19”, https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/the-gioi-hau-covid-19-phan-4-635787.html.
12, 14. Ánh Ngọc: “WHO kêu gọi chấm dứt “chủ nghĩa dân tộc vaccine””, https://vnexpress.net/who-keu-goi-cham-dut-chu-nghia-dan-toc-vaccine-4148616.html.
13. Lương Bằng: “Tình huống chưa từng có: Thế giới giật mình vì ‘mắt xích’ Trung Quốc”, https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/chien-tranh-thuong-mai-dai-dich-covid-19-the-gioi-giat-minh-vi-mat-xich-trung-quoc-676558.html.
15. Joseph S. Nye, JR: Tương lai của quyền lực, Nxb. Lao động, 2018, tr. 50.
16. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Việt Nam mong muốn phát huy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc”, http://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-mong-muon-phat-huy-quan-he-hop-tac-toan-dien-voi-lien-hop-quoc-564277.html.

PGS.TS. Đinh Xuân Lý

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội